Ý tưởng kinh doanh từ lan rừng của chị Châu đưa ra đã từng bị nhiều người cho là “điên rồ”, vì lan rừng là loại cây trồng rất khó. Để một giò lan rừng ra hoa ít nhất cũng phải mất gần 15 năm, vậy mà giờ đây, chị đã trở thành chủ của vườn lan mang tên “Huyền Chân” gần như lớn nhất miền bắc và là người giàu có nhất vùng.
Bắt đầu từ nỗi bất hạnh
Là người làm ruộng, những lúc nông nhàn, vợ chồng chị Tạ Thị Châu ở xã Đông La, Hoài Đức, Hà Tây đã đi buôn hoa, như hoa hồng, thược dược, cúc… lấy từ vườn để chở ra Hà Nội bán. Công việc cũng kiếm được chút ít tiền lo thức ăn cho gia đình. Trong khi buôn hoa, chị đã nhiều lần mua cây lan rừng của những người đi rừng lấy được. Mua được giò nào là chị mang ra chợ bán giò đấy.
Cuộc sống êm đềm trôi qua với đôi vợ chồng trẻ và 3 đứa con. Nào ngờ một ngày người chồng yêu quý của chị đã ra đi khi chị mới 30 tuổi. Nhìn 3 đứa con dại nheo nhóc trong cảnh đói nghèo, chị quyết tâm phải làm một cái gì đó để thay đổi.
Thấy bán lan có vẻ khá giả hơn các loại hoa khác, chị bắt đầu đi lên mạn ngược để mua lan với giá tận gốc. Chị đã đi các nơi từ Hoà Bình đến Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… gần như các tỉnh miền núi phía Bắc là chị đi hết. Mua lan rồi về bán, chị nảy ra ý định tại sao không trồng lan.
Có một chút kinh nghiệm trong thời gian bán lan, chị Châu đã đi tìm các mối bán hoa lan ở các tỉnh lân cận và đặt họ mang đến nhà cho chị. Để mở rộng thị trường hơn nữa, chị Châu lại đi đến tận các khu rừng của tỉnh phía Nam, thậm chí chị Châu đã đi sang cả các khu rừng của Lào, Campuchia để tìm kiếm lan và tạo mối làm ăn.
Cứ đi như thế, hết các khu rừng này, đến khu rừng khác, sổ tay của chị Châu ngày càng dày hơn những tên của loài lan, giống lan và giống lan này chỉ có ở rừng này, tỉnh này. Những cuộc tìm kiếm lan của chị kéo dài nhiều năm và theo đó thì khu vườn lan của chị ngày càng đa dạng chủng loại lan ở tất cả các miền của tổ quốc.
Trở thành “bà đỡ” của hoa lan rừng
Chị Châu cho biết: “Tôi gần như đi hầu hết các tỉnh trong nước, nơi nào có rừng núi là mình đến, cùng thợ tìm kiếm lan. Chị lên tận rừng và đưa mẫu cây để những người dân tộc họ tìm. Mỗi khu vực, chỉ có từ 1 – 2 loại lan đặc trưng riêng của mình.
Trồng lan rừng rất khó, cần phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và hiểu biết về “tính cách” của lan. Chị Châu đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước như cụ Châu Ký, cụ Tuyết Bội, cụ Sáu, cụ Hai Ninh là những người nổi tiếng “sành” chơi lan ở Hà Nội. Lan rừng rất dễ trồng nhưng cũng rất khó tính.
Chị Châu cho biết: “Lan thiên nhiên bao giờ cũng dễ chăm sóc, bệnh ít, vì sống trong rừng không có ai chăm sóc, lan sống kham khổ nên dễ sống hơn. Nhưng cũng có những lan thiên nhiên tồn tại được nhưng không nuôi được vì không thể tạo môi trường giống như nó, vừa độ cao, độ ẩm và ánh sáng như lan ở Đà Lạt, Sapa. Với lan rừng, phải có sự chăm sóc kỹ càng, mỗi năm ra có một lần hoa và kéo dài thời gian, hoa thơm hơn nữa theo thiên nhiên nuôi dân dã hơn”.
Chị Châu tâm sự: “Mình chỉ nuôi để giữ giống lan ở Việt Nam vì lan rừng Việt Nam đang cạn kiệt dần. Khi giữ được giống thì sau đó mình mới có ý định nhân giống ra. Hiện nay, lan ở Việt Nam rất khó lấy. Vì lan rừng phát triển quá chậm, đi đến đâu là hết luôn. Hơn nữa do hạn hán, cháy rừng lan đã bị thiêu huỷ khá nhiều. Giống lan Đai Châu ở Việt Nam coi như hết, nếu có lấy thì chỉ lấy ở Lào, Cạmpuchia nhưng giá thành cao lắm, có khi bán đi lại không nhập được vào nữa.
Trong khi đó, lan công nghiệp ở Thái Lan chuyển về, Trung Quốc sang, mọi người nhìn thấy nó rực rỡ, nhiều hoa, nhưng không có hương, có những loại rất thơm thì ra hoa quá ngắn, một năm ra nhiều lần khiến người chơi phát chán.
Hoa lan rừng đã ra nước ngoài
Hiện nay, Chị Châu đã dành 4.000m2 đất ở ven sông Đáy để trồng lan với hàng vạn búi lan trị giá tiền tỷ của chị Lan (1 búi lan khoảng 20 – 30 giò lan) với các loại lan hiếm nhất là lan Đai Châu và Tiên Vũ, Lan Hài, Lan Bóng, Lan Hoàng Thảo…
Có được kết quả này là nhờ chị đã 10 năm lặn lội tại các khu rừng của ViệtNam, Lào, Campuchia để tìm kiếm và sưu tầm. Chị Châu cho biết: “Lúc đầu chị Châu đi mua, lần sau họ tự mang đến cho mình, với các nước khác thì họ theo con đường hàng không. Đầu tiên mình tìm đến họ, những người chuyên đi săn lan rừng, sau đó họ lại tìm tới mình. Còn mình lại đi tìm thị trường”.
Chị Châu đã khảo sát thị trường của Việt Nam, với giá thành của hoa lan rừng thì ở Việt Nam giá cả thấp. Chị đã sang Đài Loan, Nhật, Đức… để tìm hiểu thị trường và xuất khẩu. Tại các thị trường nước ngoài, họ rất quý lan Việt Nam vì hoa lan Việt Nam có mùi thơm và tươi lâu.
Được vài năm xuất khẩu hoa lan sang thị trường nước ngoài thì đến lúc Nhà nước ta cấm xuất khẩu lan ra nước ngoài. Chị Châu đã chuyển sang trồng hoa lan rừng để chờ thời cơ vì thị trường chơi lan của Việt Nam đang trở lại.
Với hoa lan rừng nếu nuôi một giò phải mất 15 năm sau mới có hoa, yêu cầu người nuôi phải kiên trì. Chị Châu tâm sự: “Những dòng hoa lan Việt Namrất được nước ngoài chuộng, trong khi đó ở Việt Nam lại lãng phí quá. Tôi tính, mỗi loại lan giữ lại làm giống một ít nuôi và bảo vệ nó, đến khi lan rừng không thể lấy được nữa thì mình phải nghĩ đến chuyện nuôi trồng hẳn hoi để xuất hàng thành phẩm”.
Hiện nay, chị có hàng chục công nhân, chăm sóc vườn lan với mức thu nhập từ 500.000 – 1.000.000 đồng/tháng.
Chính từ lòng yêu hoa lan và đam mê nghề nghiệp đã tạo cho chị thành công ngày hôm nay. Hiện chị đang chăm sóc cho những giò hoa lan của mình để tung ra thị trường vào dịp tết này.
Gửi phản hồi