Truyện cổ về hoa lan

xin gởi đến các thành viên một đoản văn của Hư chu, đoản văn này trích từ cuốn “Thơ Nghiên Hoa Mộng” nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê in, hoàn tất ngày 20 tháng giêng năm 1956.

Cuốn sách này đã cũ lắm rồi, tôi có ở nhà, chắc vài mươi năm nữa cũng sẽ mất thôi, nên tôi đã bỏ ra ít công chép lại để cho có nhiều người được thưởng thức.
Kính Tặng.
Lê Văn Hưng

HƯ CHU (1923 – 1973)

Tiểu sử.
Tên thật Nguyễn Kỳ Thụy. Sinh năm 1923 ở Nam Định. Tác giả Nam Hải Truyền Kỳ (1952, là cuốn sách đầu tay Thơ Nghiên Hoa Mộng (Nguyễn Hiến Lê xb 1955). Nam Hải Truyền Kỳ viết kiểu liêu trai Bồ Tùng Linh này không có gì đặc sắc. Văn nghiệp Hư Chu căn truyện cổ: Thơ Nghiên Hoa Mộng.

———

Trong vườn hoa văn chương nghệ thuật hôm nay, đa số tác phẩm chịu ảnh hưởng Tây phương: hiện thực, hiện thực mới, tả chân, siêu tả chân, nội tâm, tả chân tâm lý, lãng mạn cách mạng… thì lối giọng văn Hư Chu đem lại cho lối văn hoài vọng dĩ vãng qua thơ Thơ, Nghiên, Hoa, Mộng. Thú chơi hoa, chơi nghiên, thú trà dư tửu hậu, thú tao nhã xưa của Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Chu Thiên mà chúng ta thưởng thức, đến nay quả mới chỉ có một Hư Chu hậu chiến.

Nếu quan niệm một xã hội xây dựng tiến bộ là tổng hợp của nhiều khuynh hướng, xu hướng triết lý nhân sinh; thì tôi nói rằng Hư Chu là nhà văn tư tưởng, có lối đi độc đáo, ông chọn cho bản thân một bông hoa cổ kính rất đẹp, trong xã hội mới bây giờ.

——-

Đời Lê, niên hiệu Chính Hòa, con trai nhà họ Tống ở làng Cách, huyện Nghĩa Hưng văn tài không lỗi lạc nhưng giọng bình văn thì hay tuyệt đẳng, hồ cất tiếng lên, tất kẻ đi qua đều dừng gót mà nghe.

Tống sinh tên Nhạc, tự Uyên Đình, tuổi hai mươi ba mà góa vợ ba năm, dự thi đã hai phen mà vẫn còn trắng mặt. Năm đó thi hương lại hỏng, bực chí, mới biệt nhà đi thăm người cậu đang làm chức chuyển vận ở Thiệu Hoá, nhân nhờ cậu giúp tiền để lên ăn học tại kinh đô.

Đến nhà cậu ít hôm, dạo chơi ngoài xóm, ngẫu phảng phất một mùi hoa ngửi thấy dị kỳ. Quanh quẩn tìm xem thì hương là do tự nếp nhà kia thoảng đến.

Nhân dòm ngõ cửa, đoán hẳn người đây cũng là bật tao nhân, mới càng muốn gặp mặt chủ nhân mà hỏi cho biết.

Vào trong cổng, quả thấy một nhã sĩ tuổi trạc ba mươi hân hoan ra đón. Bèn chào rồi nói ý. Chủ nhân chào lại, rồi mời Tống vào. Tống theo vào, không thấy các giống đào mai, chỉ thấy năm sáu chục cây tầm gửi treo lủng lẳng dưới mái hiên nam, cây thì bắt rễ ở một vỏ dừa khô, cây thì bám quanh lấy một cành củi nỏ.

Tống liền nói:

– Mùi thơm khác tưởng hoa gì lạ, giờ mới biết là giống phong lan!

Chủ nhân cười bảo:

– Mấy năm trước cũng chơi đủ giống. Nhưng sau xét chỉ ưa giống này nhất nên bao giống khác đã đem tặng hết tân bằng.

Hỏi sao không cứ để cả mà chơi thì lại đáp:

– Chơi nhiều giống, tình tất không chuyên. Bởi muốn chuyên tình với một giống phong lan, đành không dám ôm đồm nhiều quá.


www.diendan1080.com.

Tống nghe nói, gật đầu mà nghĩ chủ nhân thật đã có cái nết gàn rất thú. Nhân xem xét từng cây, khi hết lượt thấy mỗi cây mỗi khác thì lại càng thích tuyệt.

Chủ nhân nói:

– Đây năm mươi bẩy cây thì năm mươi bẩy thứ, song phong lan nào chỉ ngần ấy mà thôi: Sách chép xưa kia, có người đã sưu tập được một trăm tám mươi thứ khác nhau mà y vẫn nói số phong lan của y chưa chắc đã bằng một phần mười số phong lan trong hoàn vũ.

Tống lấy đó làm câu chuyện rất hay, tò mò hỏi về từng cây một. Chủ nhân kể qua tính chất mỗi cây, cây thì thịnh hương mà kém sắc, cây thì hơn sắc mà không hương, cây thì hương sắc gồm đôi, cây thì suốt bốn mùa hoa lá. Đoạn, trò một cây treo giữa bảo:

– Như cây này lá thơm mà mùi hương chữa được chứng nhức đầu cảm mạo cho nên tên đặt “Liệu đầu phong”.

Tống nhìn kỹ, thấy lá màu hồng uốn cong lên, dầu lúc ấy không hoa mà cây cũng xong hương ngào ngạt. Bèn mới hỏi:

– Phải chăng là một cây quí nhất hoa viên?

Chủ nhân lắc đầu, trỏ một cây khác lá màu vàng xám. Rồi rằng:

– Cây này có đã sáu bẩy năm mà chưa hề trổ nụ. Thoạt kỳ thủy cũng ngờ là cây dại, nhưng bốn năm trước được một ông bạn người Tầu cho xem cuốn Phong Lan Sử của Thiệu Đồ, bây giờ mới biết là một thứ phong lan kỳ dị.

Tống chăm chú lắng nghe. Chủ nhân tiếp nói:

– Sách chép đời Tống Thần Tông, ở Tô Châu có chàng họ Thạch tìm được một cây phong lan mùi hoa thơm như mùi da con gái.

Từ hái về nhà, đêm đêm Thạch chỉ uống rượu rồi ngủ bên cây, không buồn ngó ngàng đến vợ. Vợ vừa ghen vừa tức, chờ lúc vắng rót trộm nước nóng khiến cho cây cứ khô dần rồi chết héo. Cây héo chết, Thạch tương tư thành bệnh, chết theo cây. Xác chôn trên núi, mả mọc lên một cây trắc bá. Cây trắc bá sau bị nhổ quăng đi, lúc nỏ sinh ra một thứ phong lan rễ lá trông hệt cây này. Bè bạn Thạch, một người cũng là hoa hữu, lấy về treo. Treo non một kỷ, bỗng tự nhiên thấy mọc thêm cái thứ cây mùi da con gái của Thạch năm xưa, rồi hai cây quấn quít vào nhau, cây mọc sau hoa nở đã đành mà cây mọc trước cũng nở hoa, hương thơm mùi rượu ngọt.

Tống cho là một câu tuyệt kỳ giai thoại, mặt rất hân hoan. Chủ nhân cười mỉm bảo:

– Biết đâu mai kia cái cây này chẳng cũng đôi lứa nên duyên để cho tôi hưởng cả đến hai mùi men phấn?

Tống lấy làm thú vị, tấm tắc mà khen. Chủ nhân liền lại kể cho Tống hay rằng ông ta đã tốn rất nhiều công của mới sưu tập được ngần ấy phong lan, như có cây phải mò mẫm hàng tháng trong rừng núi để tìm ra, lại có cây phải đổi của một khách vùng ngoài bằng hẳn một con ngựa quý. Tống nghe nói, sửng sốt không ngờ.

Nhân hỏi:

– Một ngọn cây con, sao mà đắt quá?

Đáp:

– Đắt vì hiếm có.

Lại hỏi:

– Hiếm có thì sao chẳng chiết ra thêm?

Lại đáp:

– Thứ nào càng quý, càng khó chiết. Vả cho chiết dễ cũng chẳng mấy ai làm. Làm thì có nhiều, con chi quý nữa!

Chuyện đến đây, sực nhớ đã để khách đứng ở ngoài lâu, bèn mời vào trong trà nước. Đôi bên thông tên họ, chủ nhân mới hay khách là cháu quan chuyển vận, mà Tống cũng biết được chủ nhân tên Đăng họ Phạm, học hay chữ nhưng vì lẽ riêng không muốn thờ chúa Trịnh, chưa thèm dự thí một lần nào.

Sau đó chuyện vãn, Tống cáo về. Về, cứ vài bữa lại tìm đến nói chuyện thơ hoa, mãi cho đến khi nhận được tin nhà giục kíp lên kinh học tập.


cayxanhtienduc.com.vn

Tống đến Thăng Long, nhờ người quen xin được tập văn ở trường cụ thám họ Vũ, còn ngụ thì tại nhà một viên tiểu lại, sau dinh trung hành khiển quan họ Trần. Ở ít bữa, một hôm bỗng thấy lính bên dinh sang đòi vào hầu quan trung hành khiển. Không hiểu việc gì, có bụng hơi lo, thì lính liền bảo chỉ vì tướng công ưa giọng bình văn nên muốn xem cho biết mặt. Bèn mà yên dạ theo sang. Sang thư phòng chào vái thì tướng công cho ngồi rồi niềm nở bảo:

– Nhà thầy giọng tốt lắm, chiều qua ra hồ sau nghe tiếng, ta rất mê tai. Vậy tiện có bài phú mới làm, hãy bình lên nghe thử!

Tống vâng lệnh, lĩnh bài phú, cất tiếng lên bình. Bình xong, tướng công cả khen, ban rượu cho và hỏi thăm thân thế. Tống kể tên tuổi cửa nhà, đoạn lại theo lời dạy về lấy ít bài tập sáng dâng. Tướng công xem, không vui mà nói:

– Văn này thì còn phải làm nổi lao đao trường ốc đấy.

Kế tặng một chiếc nghiên rồi truyền cho cáo thoái.

Tống về, đem chiếc nghiên khoe với chủ nhà. Chủ trọ cười nói bỡn:

– Lần đầu bái yết đã hậu đãi khác người, thầy biết đâu chẳng có cái duyên may hơn công tử con quan Hoàng gián nghị!

Không hiểu ý sao, hỏi thì mới rõ rằng tướng công nay tuổi ngoại lục tuần nhưng nhà còn một tiểu thư đôi tám mà chưa chọn được khách giường đông. Bởi tiểu thư là gái út lại nghiêng thành nghiêng nước cho nên tướng công kén người rất kỹ, đến như con quan giáng nghị họ Hoàng từng tới cầu hôn mà cứ chưa thuận gả.

Nghe kể Tổng cũng cười đáp:

– Vương tôn công tử đã không thanh nhãn thì có khi tướng công lại kén con nhà áo vải ba phen lạc đệ cũng chưa chừng!

Nói đùa cho mặn chuyện, song thấy bảo tiểu thư tuyệt sắc, vẫn thèm thấy mặt giai nhân. Hiềm khuê các thâm nghiêm thật không có dịp.

Chiều nọ đang ngồi trước buồng riêng mà cao giọng kể mấy câu thơ, chợt nghe tiếng bên tường có tiếng ai cười khúc khích, đoán là tiếng đàn bà, bên lẳng lặng ra vườn trèo cây mít dòm sang. Dòm thì thấy một công nương trẻ măng mà đẹp tuyệt đang đứng bên hồ cùng một con tỳ nho nhỏ. Nhân khoái quá, khanh khách cười lên. Thì hay đâu, công nương đã mặt thẹn bừng bừng, vội dắt con tỳ chạy mất.

Hôm sau cùng lúc xế chiều, Tống bình văn vừa dứt một bài lại trèo lên cây mà ngóng. Nào hay trèo ngó, giai nhân sẵn ở đấy rồi. Nhưng nàng như để ý trông chừng, nhác thấy mặt Tống chòi lên đã tức thì bỏ chạy.

Tống thấy thế, biết Trần tiểu thư đã mê giọng bình văn, cứ giờ khắc ấy lại thót ra hồ nghe trộm. Bèn bụng mừng khấp khởi, mỗi lần kể sách, càng gân cổ ngâm nga. Tuy nhiên nghĩ mới bực, chiều nào lên cây mít cũng gặp giai nhân mà nàng chớ hề chịu rốn lại cho lân la nửa tiếng.

Một hôm, đang cố nghĩ mưu để cùng ai kia mật ước, bỗng tướng công sai kẻ sang đòi. Lần nầy lính không dẫn đến thư phòng, lại đưa lên một tầng cao các. Lên đến nơi, thấy tướng công đang đàm thi cũng hai vị đồng liêu, mà bốn mặt quanh hiên, phong lan có treo đầy khắp cả. Nhân chờ xong việc bình văn mới xin cho xem cảnh. Cảnh xem hết lượt, thấy toàn là kỳ hoa dị thảo, bèn tấm tắc mà khen.

Tướng công cười hỏi:

– Nhà thầy có biết cái hoa trắng treo bên tả chiếc khánh ấy nó quý ở chỗ nào không?


flickr.com

Tống xem, đáp không thì liền truyền lính lấy phẩm xanh tưới vào rễ cái cây vừa nói. Chốc lát, mấy đóa hoa đang trắng như bông dần dần nổi lên màu lá mạ. Tống rất lấy làm kỳ. Tướng công lại bảo cho biết rằng chỉ trong già một khắc, màu lam ấy bay đi, rồi nếu tưới phẩm đỏ phẩm vàng, cánh hoa sẽ lại biến ra vàng đỏ. Hai vị khách kia chừng vẫn biết, chỉ tán thưởng đôi lời. Riêng Tống thì phần thích mắt, phần muốn vui dạ tướng công, trầm trồ mãi.

Tướng công sau đấy lại trỏ vào mấy cây khác mà như cây “ngư du diệp”, nếu ngắt lá non thả vào chậu rượu vừa hâm tất cái lá sẽ bơi đi bơi lại, hoặc như cây “nhạn tử”, nếu khi trời gió lớn mà không buộc kỹ, tất cả cái cây sẽ theo gió bay mất lên rừng. Dẫn giảng xong, tướng công đắc chí cười ha hả. Tống nhân nói:

– Mới đây vãn sinh biết một người ở miền trong góp chơi phong lan được năm mươi bẩy thứ. Mấy thứ “nhạn tử”, “ngư du diệp”, “ngũ sắc hoa” y không có, những y lại có mấy thứ khác xem cũng quý mười mươi.

Đoạn kể chuyện Phạm Đăng với cây liệu đầu phong và cây chàng họ Thạch. Tướng công nghe kể, thích quá, tức thì vồ vập bảo Tống hãy vì mình mà đi nài lại. Song Tống chối từ, nói quyết là không sao nài được. Hỏi sao thì đáp:

– Tướng công đã khiến, đâu dám không vâng. Hiềm Phạm Đăng yêu hoa hơn yêu tiền, mê hoa hơn mê danh, có ngựa hay mà không tiếc lại đem đổi lấy một cây phong lan vừa ý, có tài cao mà ở ẩn để lúc nào cũng được nhàn ảnh chơi hoa. Một người như vậy, tất trả giá đến bao nhiêu cũng không chịu bán.

Tướng công ham quá, ép Tống mà rằng:

– Hãy cứ đi xem. Đối với Phạm cư sĩ, lão gia nào có nghĩ cậy tiền tài, nhưng chỉ cậy chỗ nhà thầy đã hay giọng bình văn thì hẳn cũng phải là một tay du thuyết!

Tống nghe câu nói, nể lắm, bất đắc dĩ phải vâng lời. Rồi nhận hai trăm lạng bạc, dẫn ba tên lính đi theo, phóng ngựa vào Thiệu Hoá.

Vào đến chỗ, ngờ đâu chủ nhân chết đã bốn mươi ngày. Lòng rất cảm thương, hỏi thăm người vợ thì mới hay rằng cách nay hơn tháng Phạm Đăng trèo lên toan hái một cây tầm gửi ở trên ngọn cây “Y Lang” trước cửa chùa Phù Ninh thì không may trượt chân ngã chết. Nhân ngậm ngùi khôn siết, xin vào ô hô khóc điếu rồi trở ra nói việc phong lan. Người vợ bằng lòng, đáp xin bán tất. Nhưng Tống bảo lính chỉ chọn những cây nào mà nhà chưa có. Lính chọn được sáu cây. Người vợ thấy ít, thách giá, đòi trả cho mỗi cây hai chục lạng. Tống liền cười bảo:

– Người không biết, hai lạng cũng chưa chắc đã ưng mua. Song gặp chỗ quan trung hành khiển thì hai chục lạng thật đã có chi xứng giá.

Nói dứt, trao cả hai trăm lạng cho người vợ rồi truyền lính hãy nhận cây lên ngựa chở trước về kinh. Con mình thì nhận hãy lưu lại Thiệu Hoá ít hôm mà chuyện trò cùng cậu.

Cách mấy bữa, Tống chợt nghĩ Phạm Đang đã bỏ thân vì cây phong lan ở xã Phù Ninh thì hoặc dễ đó là một cây rất quý. Bèn hỏi thăm đường đất. Cũng chẳng bao xa. Tức thì từ giã cậu lên đường, đi vòng qua ngả Phù Ninh để tìm xem cho biết. Đi đến chỗ, bước lại bên gốc Y Lang ngước mặt trông mãi, quả thấy ở trên ngọn cao chót vót có một cây tầm gửi mọc quấn lấy một cành cây. Sẵn gặp người bắt ốc, liền thuê gã trèo lên. Cây rất khó trèo, gã nhìn mà sợ. Rồi đó phải thưởng cổng hai lạng, gã mới cẩn thận nhoai từng tấc, cố lấy xuống đưa cho. Tống cầm xem thì là một cây phong lan khác hết mọi cây thấy trước, gốc mọc chia làm bốn dây dài rũ xuống, rễ trắng mềm và óng như tơ, còn lá thì màu tía nhạt, thon như ngón tay và mỏng như chất lụa. Nhìn các đốt dây lại thấy đốt nào cũng có nụ hoa nhỏ bằng hột quít, còn ở đầu bốn ngọn, chồi nõn đang sinh.

Nhân cho là kỳ thú liên bỏ bộ dùng thủy, đáp đò dọc về kinh cho thân cây khỏi chột.

Đò ngược rất chậm, lúc đi lúc đậu, nửa tháng mới đến kinh đô. Đến bến, vừa khi hai chục nụ hoa vừa nở hết. Những hoa nầy đẹp lạ thường mà thơm rất nức. Nói về hương thị mùi thơm xông vài ba trăm bộ, nửa như cúc, nửa như mai. Còn nói về sắc thì cánh hoa lấm chấm chín màu mà bốn cánh dưới nhỏ trên to khiến cho ai đứng cách một khoang thuyền cũng phải ngờ là một đàn bướm đậu.

Tống về nhà trọ, ngày đã tối, định bụng sáng mai sẽ đem cây hoa-bướm mà dâng nộp tướng công. Những đêm ấy, ngồi bên đèn kể sách, bỗng thấy những con-bướm-phong-lan đập đập bốn cánh như là bướm thật. Tống im thì bướm cũng yên. Tống kể thì lại đập. Mấy lần thử đều như vậy cả, nhân vừa lấy làm kỳ vừa lấy làm thích, bèn bỏ ý dâng nộp, quyết giữ lại chơi riêng. Bởi thế, hôm sau vào dinh trình diện chỉ nói sáu cây kia, còn cây hoa-bướm thì lờ đi không hề đả động.

Từ đấy, ngoài những buổi tập văn tại trường cụ thám, Tống lại ngâm thơ mà giỡn với cây hoa-bướm, hoặc trèo lên cây mít để gửi vội một nụ tình cho khách kiều tu. Được già nửa tháng, một đêm gió lớn ngồi học sử bên đèn, chợt có người gõ cửa. Cửa mở, thấy một thiếu niên dáng nho nhã, xá hỏi rằng:

– Mộ danh tìm đến, biết thuận cho hầu chuyện hay không?

Tống đáp lễ, cười mà mời khách vào ngồi. Ngồi một lát, khách bàn qua chuyện thi thư rồi chợt hỏi:

– Phải chăng túc hạ có một cây phong lan hồ điệp?

Tống nghĩ khách không phải là người có thể mách lẻo với quan trung hành khiển, bèn không cần giấu, vào ngay phòng nhỏ lấy cây hoa-bướm đem ra. Khách xem, nửa như vui mừng, nửa như ngẫm nghĩ. Tống nhân hỏi về sự khách biết mình có cây hoa-bướm. Khách đáp:

– Hôm nay gió lớn nên mùi hương có đưa sang bên tệ xá.

Tống sửng sốt nhìn khách, bảo:

– Chỉ ngửi thoáng mà biết ngay là cây hồ điệp thì các hạ chơi phong lan còn sành gấp mười cư sĩ họ Phạm cùng đại quan trung hành khiển!

Khách không đáp, mỉm cười mà hỏi về sự tìm cây, Tống kể việc. Khách gật đầu nổi:

– Phạm cư sĩ chơi hoa đến chết vì hoa, tưởng rất đáng nên mừng là một tay nhã chí.

Đoạn hỏi:

– Trần tướng công được đây này tất thích, cớ sao chẳng đem dâng mà cầu một món tiền lớn hoặc một nẻo tiến thân?

Đáp:

– Vốn cũng định dâng vào song sau thấy những con hồ điệp biết nghe văn nên thà lưu làm bạn đọc.


www.vnphoto.net

Nói rồi muốn khách ngạc nhiên, liền tự cất tiếng ngâm một chương Tất-suất. Khách nhìn, thấy cánh hoa rung phấp phới, không hiểu sao đã không tỏ ra hoan lạc mà lại như có ý bất bình.

Hỏi Tống:

– Phải chăng hễ túc hạ ngâm lên, bao giờ cánh hoa cũng đập?

Tống đáp phải. Khách bảo hãy ngâm nữa cho xem. Tống theo lời thì lại y như trước. Khách càng giận, chào Tống rồi vùng vằng ra cửa mà đi.

Đi, nhưng đêm sau lại đến. Đến, vừa gặp mặt đã với ân cần tạ lỗi về cái sự đêm qua. Tống cười hỏi:

– Cánh hoa đập hay không, can chi mà tức bực?

Thẹn mà đáp:

– Chẳng dám giấu, tôi có bệnh trong tim, nóng nảy bất thường. Đêm qua thất lễ không phải vì hoa mà chỉ vì gặp lúc tim dồn máu vậy.

Nói là bệnh, song mỗi khi Tống làm cho hoa rung động thì hình như vẫn có ý giận với hoa. Tuy nhiên, đêm nay cứ ở mãi đến khuya mà cùng Tống đàm thi bên cây hồ điệp.

Rồi từ đó, chẳng kể gió mưa, chàng thư sinh đêm nào cũng lại chơi một chốc. Lại thì bao giờ cũng đòi được thưởng hoa cùng xui Tống đem vào dâng quan trung hành khiển.

Hỏi nhà đâu, đáp nhà hẹp lại có người ốm liệt không tiện đón khách về chơi, còn hỏi tên thì đáp tên Hướng Nhật. Thấy không chịu cho biết cửa nhà. Tống hơi nghi là người bất chính toan từ chối cuộc giao du. Nhưng moi bận bàn về văn tự, xem thật là kẻ đại tài, lại cứ để tự do lui tới.

Một đêm nọ, cây Hồ-Điệp đang sắp tàn hoa, Tống thắp đèn ngồi học thì tướng công cho gọi đến bình văn. Vào dinh chưa ngồi nóng chỗ, bỗng nghe báo Tây vương Trịnh Tạc ra hỏi việc tướng công, bèn vội tránh về. Về đến hiên, chợt trong nhà có tiếng ai gắt nói với ai ở phía căn buồng nhỏ. Nghi hoặc quá, bèn đi vòng vách mà dòm. Dòm thì lạ lùng thay, chàng thư sinh mọi bữa đang đối diện với một cô gái dung nhan diễm lệ cực kỳ, nếu đem so, tưởng còn hơn tiểu thư nhà quan trung hành khiển.

Nhân vừa ngạc nhiên vừa hồi hộp, lắng tai nghe. Chàng nọ nói:

– Nói hết lời sao cứ khăng khăng không chịu?

Cô kia đáp:

– Cửa hầu phiền nhiễu, đã xin anh đừng cố ép tôi mà.

Lại nói:

– Ở hoa viện phong các chứ nào phải tiền sảnh trung đường mà chê phiền nhiễu!

Lại đáp:

– Nhưng tôi ghét hàng cân đai ấp úng chẳng hợp tình nhau.

Chàng thư sinh dậm chân gắt bảo:

– Đã nói rằng quan trung hành khiển tuy là nhà chuông vạc song tính tình cao nhã, không giống như mọi kẻ ai người.

Thiếu nữ cúi đầu phụng phịu. Chàng nọ lại sẵng hỏi:

– Thế nào chịu chứ?

Cô kia bỗng vùng nói:

– Tôi nghe Tống Uyên Đình kể sách đã quen tai, nay bỏ vào trong ấy với anh thì nhớ lắm.

Thư sinh như nổi cơn ghen, giận bảo:

– Nàng mê tên họ Tống, sẽ biết tay ta!

Đoạn quay ngoắt ra phòng lớn. Thư sinh ra, Tống nhìn thiếu nữ thì thật quái, vừa đứng đó mà lại chẳng thấy đâu.

Đang sửng sốt, bỗng chàng nọ lại trở vào cúi gần cây phong lan treo ở bên giường mà gọi:

– Hồ Điệp!

Gọi ba lần không tiếng đáp, bèn co một ngón tay gãi gãi vào giữa chỗ giáp bốn cành dây. Chợt cô gái vụt hiện, cười như nắc nẻ. Nói:

– Tưởng giận bỏ về không thèm đến nửa!

Thư sinh hừ một tiếng rồi hỏi gắt:

– Có thật đã mê tình tên họ Tống, nhạt nhẽo với ta chăng?

Cô gái cau mặt cãi:

– Đừng nói nhảm. Tôi chỉ thích nghe Tống-sinh kể sách, đâu có lẽ mê tình!

Chàng nọ cười khẩy nói:

– Nghe tiếng y ngâm, sướng đến rung người mà còn chối không mê!

Cô gái vênh váo đáp:

– Không mê mà cứ bảo mê, ừ thì mê đấy!

Chàng nọ giận quá, cơn ghen lại bừng bừng. Khẽ quát:

– Được lắm. Sẽ biết tay nhau!

Quát xong, đẩy cửa hầm hầm ra ngõ.


www.saigonphoto.net

Tống thấy thế, rời chỗ nấp, hớn hở vào nhà. Nhưng bấy giờ giai nhân đã biến, mới bắt chước cụp ngón tay mà gãi gãi. Đang gãi, chợt nghe phía sau có tiếng kêu lên:

– Thôi đi, nhột chết người ta được!

Quay lại trông, quả là Hồ Điệp đứng ở sau lưng, mặt hoa tươi hớn. Nàng hỏi:

– Cái cách cù ranh mãnh ấy, ai vẽ cho anh?

Tống gật gù đáp:

– Cứ là cái cố tật của ngón tay, cần gì ai vẽ!

Nàng nguýt mà rằng:

– Lời nói nhảm không ra người quân tử!

Liền bảo:

– Quân tử nào mà chẳng có một cái nhảm? Cái nhảm độc nhất của người quân tử nó chỉ ở trong có một sự này thôi!

Thấy Tổng cứ bài bây, cô gái nghiêm mặt nói:

– Cũng là thiếu thiếu rất khá nên vui, song bỡn quá điều, e ra sàm sỡ.

Tống sợ nàng giận, bèn hãy mời sang ngồi bên phòng sách. Đoạn hỏi:

– Nàng thì đã đoán, những còn người cãi nhau bàn nãy là ai mà lại biết tinh cây Hồ Điệp?

Đáp:

– Ngựa biết ngựa, trâu biết trâu. Anh chàng đó cũng là tinh một gốc phong lan ở trong vườn quan trung hành khiển.

Hỏi cây nào thì đáp cây Hướng Nhật, lá mọc giống như chữ tiểu mà hoa hướng theo với bóng kim ô. Nhân lại hỏi đến việc Hướng Nhật cố xui mình dâng cây Hồ Điệp cho Trần tướng công cùng câu chuyện vừa nghe lỏm. Nàng nói:

– Anh chàng ngửi thấy mùi hương nên tối ấy tìm sang dò xét. Xét được, muốn kết xe tơ tóc, mới ép tôi cùng vào ở trong đó cho gần.

Tống nghe nói thế, lo ngay ngáy. Thì nàng liền cười, nói mình đã mê kể sách, quyết chẳng bao giờ lại bỏ Tống mà đi. Tống được lời hứa chắc, song nhớ câu Hướng Nhật dọa “sẽ biết tay nhau”, vẫn lấy làm thấp thỏm. Nàng biết ý bảo:

– Hướng Nhật bị tôi cự tuyệt, nạt nộ rất ghê. Nhưng đừng sợ, chàng ta hùng hổ nói vậy chứ dẫu có ác tâm cũng chẳng dễ gì hại được nổi cái tay con Hồ Điệp!

Tống mừng quá, vỗ đùi mà khen câu nói cứng. Nàng để cho vui chán mới tủm tỉm mà rằng:

– Tuy nhiên, nếu chàng ta mạo muội yết kiến tướng công hớt lẻo sự này thì anh liệu làm sao toan tính?

Quả quyết đáp:

– Tướng công biết, ngài cứ biết. Còn tôi, nộp tôi không nộp!

Đoạn lại tiếp bảo:

– Hái nàng xuống, chính tôi vẫn có ý dâng biếu tướng công. Nhưng khi thấy nàng biết nghe văn thì cái ý kia liền đổi. Mà đến bây giờ, biết nàng lại là Nàng thì họa tướng công có chém đầu tôi đi đã rồi hãy nghĩ đến sự chiếm nổi tình ai.

Nàng cười mỉm nói:

– Đây là Nàng chứ đâu phải tướng công mà anh hâm hở nhại cái câu đức ngài Kiếp-Bạc?

Tống phì cười. Rồi thấy đêm đã hơi khuya, liền sán lại gần toan đều lơi lả. Nàng không thuận, cự:

– Tình đang cao khiết, sao chẳng cùng nhau bàn sự đồng tây kim cổ mà lại đi quay quắt những cái trò ma?

Tống cười nhoẻn đáp:

– Kim cổ thì Nhạc nầy dốt chuyện. Những đông có biết được một chuyện đông sàng tuyệt hay, còn tây cũng có biết được một chuyện tây sương tuyệt thú!

Cô gái lập tức đứng phắt lên, sẵng nói:

– Tôi coi anh chỉ là nhã hữu mà không thể tình lang. Nay chẳng hiểu lại cứ lần khân thi âu ta tạm biệt.

Nói xong biến mất.


www.vnphoto.net

Tống đang cơn đắc ý, quyết chẳng chịu thôi. Bèn mà tốc sang phòng bên gãi cây Hồ Điệp.

Nhưng cô gái hiện ra, Tống chưa mở miệng thì nàng đã cau mày phẫn nộ mà rằng:

– Phải anh nhất định ép nhau cùng làm cái điều hổ thẹn?

Tống nhìn sắc mặt nghe giọng hỏi, biết đêm nay chưa mưu sự được, mới vội “không không” rồi bảo:

– Nghĩ canh dài mà chưa buồn ngủ, muốn cùng nhau đối ẩm để làm ghi cái đêm sơ ngộ, há dám vội soi nụ đồ mi cho trái với tiết hè?

Nàng bĩu môi, trỏ tay mà dọa:

– Đêm nay nếu chẳng để nhau yên, chớ có trách nhau lãnh đạm!

Đoạn lại biến đi, mặc cho ai vuốt bụng đành thôi mà hãy tạm đánh một giấc mơ mòng vân vũ.

Trưa hôm sau, Tống đang tẩn mẩn bóc cánh hoa khô cho cây Hồ Điệp, chợt thấy bóng quan trung hành khiển lững thững vào sân. Bèn đem giấu biệt ngay đi rồi chạy ra nghênh tiếp. Tướng công tiến lại trước hiên, ngó quanh mà hỏi:

– Cây phong lan của nhà thầy treo đâu thế hử?

Tống nghe hỏi giật mình, muốn chối mà còn ấp úng. Tướng công đã liền tiếp bảo:

– Hồi sáng, một người xưng là bạn học của nhà thầy vào dinh hầu việc. Nghe y trình thì nhà thầy có một cây phong lan đẹp lắm, hoa phe phẩy như đàn bướm cho nên rất muốn được xem qua.

Tông biết chỉ lại gã tinh kia mách lẻo, bụng những rủa thầm. Nhân nghỉ chối cũng không xong, đành vào lấy đem treo ra giữa cửa. Tướng công ngắm nghía, vừa lòng quá, bảo Tống làm cánh hoa phất phất cho xem. Tống tuân lệnh. Tướng công thấy, càng khoái thậm, nở mũi mà rằng:

– Của tuyệt luân nay đã gặp, thì đủ biết hoa thần không nỡ phụ lòng ta!

Đoạn hỏi Tống về lại nguyên cây Hồ Điệp. Tống kể việc tìm lấy tại chùa xã Phù Ninh. Tướng công bỏ không trách về chỗ đã không dâng mà còn dấu diếm. Bảo:

– Cây này quý lắm thật, nhưng nhà thầy vốn chẳng là khách chơi hoa, và cũng chưa đến tuổi cần chơi, hãy nhường lại cho ta thì mới phải.

Tống không thuận đáp:

– Tướng công dậy gì cũng lạy vâng, chỉ ngửa xin miễn riêng cho điều ấy.

Tướng công nói đền cho ba trăm lạng bạc. Không nghe. Lại tăng lên năm trăm lạng. Vẫn chẳng chịu. Bèn gắt hỏi:

– Năm trăm lạng mà chưa chịu thì còn muốn thách trời chăng?

Tống không dám đáp, lặng thinh. Tướng công ngẫm nghĩ hồi lâu rồi chợt bảo:

– Ngoài tiền ra, ta lại cho một chức hà đê!

Thấy tướng công đã cau mày nói gắt, lại hứa cho vừa tiền vừa chức, thị phần sợ uy phần hám lợi, suýt bằng lòng. Nhưng rồi tưởng đến giai nhân thì chức cũng chẳng hám, uy cũng chẳng sợ, cứ khăng khăng một mực.

Chủ trọ bây giờ đã chạy sang hầu, bảo Tống:

– Dâng có một cây tầm gửi mà được năm trăm lạng với chức hà đê thì còn mong gì hơn nữa?

Tống nói:

– Lượng tướng công to như bể, song cây Hồ Điệp là bạn đọc của tôi, tôi không dám đem dâng.

Tướng công nghe mà giận, dỗi ra về.

Chủ trọ e phải giận lây, liền cự:

– Vì tiếc một cây hoa nhỏ mọn mà bỏ phú quý thì thật là điên. Vì tiếc một cây hoa nhỏ mọn mà chuốc oan cừu thì thật là dại. Dại điên là cái bệnh của thằng khùng sao thầy muốn học?

Cười mà đáp:

– Cái khùng này là cái khùng si, ông biết đâu mà dám ba chầy củ!

Đoạn vênh mặt lên như rất khoái. Chủ trọ lại cố mà khuyên. Nhưng khuyên mấy cũng không sao chuyển bụng.

Một lát lính bên dinh sang bảo:

– Tướng công sai hỏi: thầy đã hối chưa?

Đáp chưa hối.

Lát nữa lại sang hỏi câu hỏi trước.

Vẫn đáp y.

Lần thứ ba lính nói:

– Tướng công hứa tặng đúng nghìn lạng bạc, lại vận động xin đặc cách cho đi làm chuyển vận Ninh-Giang.


www.vnphoto.net

Thầy tướng công ép quá, sợ cứng nhiều thì gẫy, bèn khất hãy khoan cho nghĩ chín lại xem. Đó rồi đóng cửa, gọi Hồ Điệp về mà kể việc. Cô gái cười bảo:

– Nghìn lạng là món tiền to, chuyển vận là chức quan lớn, Ninh Giang là nơi đất béo, tôi rất mừng anh.

Phẩy tay mà nói:

– Nữa cũng chẳng thèm.

Hỏi:

– Vậy thèm gì?

Đáp:

– Gì thì biết đấy!

Nàng không nỡ cự, nghiêm trang ngồi xuống ghế, nhủ rằng:

– Tôi với anh thật chẳng có cái tình gối ấp, đêm ngày mơ tưởng cũng đến viễn vông thôi. Bởi vậy hiện tướng công còn người con gái diễm kiều, anh hãy nhân cái dịp may nầy, mau mau xin gắn bó.

Tống xị mặt. Nàng lại nói:

– Tướng công tuy lòng quân tử, bữa nay giận anh mà đành chịu nhịn, mê tôi mà không hiếp lấy, nhưng ai dám chắc rồi ra ngài sẽ chẳng vì một cây phong lan mà xử ức Tống Uyên Đình?

Tống nghe nói, có ý phân vân. Nàng ôn tồn bảo:

– Như cái thế bây giờ cưỡng không được mà cũng cưỡng không nên. Hai đứa mình muốn chẳng xa nhau thì tôi vào dinh, anh gửi rể, anh có Trần tiểu thư ấp gối tôi có chàng Hướng Nhật hàn ôn. Rồi tối tối bốn đứa ta ngồi quây trên cao các mà kể sách bàn thơ với tướng công, tưởng không phải là không có thú.

Nghe nàng nói vậy, Tống rất xui tai. Song nhìn lại mặt, thấy nàng như gấm như vóc như ngọc như ngà thì lòng riêng thật xót. Nàng trông mặt đoán lòng, mỉm cười mà nói:

– Anh đừng tiếc tôi chi. Trần tiểu thư sắc chẳng thua tôi mà vẫn thường nghe trộm tiếng bình văn, quyết nhiên còn nặng tình hơn tôi vạn lạng!

Tống bèn thuận. Thuận rồi lại hỏi:

– Tướng công, tiền chức thì cho nhưng dễ đâu đã chịu gả công nương cho một gã trò nghèo ba phen lạc đệ?

Đáp:

– Rể không đậu thì tiến cử làm quan, vẫn nên vinh hiển. Rể không tiền thì chia cho gia sản, tức thị phú gia. Hai điều này, tướng công thừa thế lực.

Kế, bảo Tống mau hãy vào dinh. Tống sợ, không dám tự ngỏ lời, sang nhờ chủ trọ. Chủ trọ nghĩ việc này trọng hệ, Tống nói lắm mới chịu liều đi. Đi rồi về nói:

– Tướng công hẹn sáng mai thầy phải trả lời dứt khoát về cái chuyện ban chiều. Còn gả tiểu thư, ngài không gả.

Tống về phòng thuật sự. Hồ Điệp cười rằng:

– Ngài không gả ấy là ngài chưa biết cây Hồ Điệp có con tinh. Giờ anh kể rõ chuyện tôi thì muốn ngồi vắt cẳng ở mái tây hay thích nằm ngửa bụng ở giường đông hẳn cũng được ngài cho thả cửa.

Đoạn giục Tống viết thư kể rõ, lại dặn cũng nên nói luôn về cây Hướng Nhật, nếu tướng công lấy lửa mà hơ nóng ngọn, tất sẽ tóm được cổ anh chàng.

Tống nghe theo. Thư thảo xong, đem nhờ chủ trọ. Chủ trọ đi một lát, chợt thấy tướng công hớn hở bước sang với một thư sinh, nhìn xem thì chính là Hướng Nhật.

Hồ Điệp bây giờ đã biến. Tống bèn đón tướng công lại bên cây mà gãi gọi. Nàng liền hiện ra, chắp tay chào vái. Tướng công ngắm kỹ mặt hoa, mừng mà khen tinh cây thật còn đẹp hơn người đẹp. Kế, hỏi thăm đủ chuyện, ngẫm nghĩ một chốc rồi tủm tỉm bảo Hồ Điệp nên theo họ Tống, mình nhận làm con dâu, còn Hướng Nhật thì theo họ Trần, nhận mình làm nghĩa phụ. Sau đó, lại quay nhìn Tống mà rằng:

– Mai ta cho nghìn lạng để sắm sửa y xiêm. Rồi chừng nào chọn được ngày, hai đám cưới sẽ nhất luật cử hành, Hồ Điệp thì vào dinh làm dâu còn Uyên Đình thì vào dinh làm rể!

Tống lạy tạ. Tướng công bèn vẫy Trần Hướng Nhật, đứng dậy ra về. Chàng nghĩa tử bước theo tướng công, ra đến hiên còn ngoái cổ, vừa nháy nháy Hồ Điệp vừa lắc lắc cái đầu như rất lấy làm đắc chí.

Ngõ Trúc,
mồng 4 tháng chạp Quí Tỵ nhằm ngày 8 tháng 1 năm 1954

 

Hư Chu
trích từ cuốn “Thơ Nghiên Hoa Mộng” Truyền kỳ cổ thể
Giới thiệu nhatkhoa 2082 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi