Thú chơi Lan Rừng ở Phố Núi Pleiku

bán lan rừng dạo
bán lan rừng dạo

Bài viết khá hay về thú chơi lan rừng của các anh chị em trên Pleiku. Mình cũng có khá nhiều mối hàng ở đó. Hôm nay lấy bài này đăng lại cho các bạn xem

Theo thống kê của ngành khoa học, ở Việt Nam hiện nay có trên 4.000 loại lan nguyên thủy thiên nhiên, đứng vào hàng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Colombia (trên 5.000 loài). Riêng ở Gia Lai, lan rừng cũng rất phong phú với hàng nghìn chủng loại: Từ Nginh xuân, Giả hạc, Đuôi chồn, Đuôi cáo, Quế tím, Quế vàng cho đến các loại Hồ điệp, Vũ nữ, Đoản kiếm, Vũ kiếm, Hài đài cuộn, Kim tuyến,Kim điệp, Tuổi ngọc.. và thay nhau nở suốt bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Nếu như mùa xuân là mùa khoe sắc của những bông hoa  Nghing xuân, Trúc Lan, Gỉa Hạc… thì mùa Hạ đã có hoa Lan Giáng hương, quế vàng, quế tím các loại với mùi hương đậm đà và quyến rũ và mùa xuân thì các loại lan thi nhau đua nở. Theo nhiều người dân phố núi Pleiku, Lan rừng đã trở thành vưu  vật của đại ngàn…

Lan rừng loại đặc sản “Hương hoa quý của núi rừng”đại ngàn được hấp thụ đủ “cái nắng, cái gió, cái lạnh, cái mưa” của thời tiết Tây Nguyên nên có một thân hình khoẻ khoắn, lá to, rễ dài và mập, có sức sống bền dai và có mùi hương thơm dễ làm ngây ngất lòng người. Vì vậy, nhiều người dân ở Tây Nguyên và “phố núi” Pleiku này rất thích chơi lan rừng. Nhưng để lan rừng ra hoa đẹp, nhất là đúng vào mỗi dịp tết đến xuân về, người chơi hoa lan phải tìm hiểu đặc tính của các loại lan và chăm sóc rất cẩn thận. Những người chuyên lên rừng tìm hoa lan về bán lâu ngày cũng có được kinh nghiệm chăm sóc lan rừng. Còn những người chơi lan rừng sau khi sở hữu được người dân thường mang cắt tỉa, ráp rễ vào một thân cây khác hoặc trồng vào các loại giò đất, nhựa, gỗ đóng theo từng kiểu giáng cùng với giớn gồm: rễ cây, rong biển, xơ dừa, vỏ cà phê, than củi cho rễ bám vào  đó nuôi sống cây lan và tưới nước theo kỳ là lan đã có thể sống và phát triển xanh tươi. Nếu như các loại lan ngoại nhập hoặc lan được trồng theo phương pháp cấy mô công nghệ sinh học như ở Đà Lạt và nhiều nơi trong nước đủ loại như: Hồ điệp, Van đa, Đen rô, Hoàng hậu, Vũ nữ được trồng và bán đại trà, ra hoa quanh năm và ép cho hoa nở vào ngày tết, đa số đều đẹp nhưng không thơm, bền nhưng khó chăm sóc, thì lan rừng nói chung lại có đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, hoa nở ngắn ngày nhưng bù lại rất thơm làm ngất ngây lòng người.

Những sáng sớm dạo quanh thành phố, tôi thường gặp từng tốp phụ nữ dân tộc đi từ những làng bản địa đến trung tâm thành phố, trong số họ có nhiều người ở Kon Tum xuống bằng đường xe Buys. Họ trò chuyện vui vẻ, đằng sau là chiếc gùi đựng lan, trên tay cầm một vài nhành lan rừng xinh xắn.  Mỗi địa điểm này có hàng trăm giò lan thuộc hàng chục chủng loại với hình dáng phong phú: có loại nở thành từng chùm, loại nở dần từng cánh, loại cánh tròn, có loại cánh dài, loại có râu, có vòi, có cánh hoa giống như cánh bướm, ong… Nhiều màu sắc phong phú: Lan đuôi cáo tím hồng, bông nở dày đặc, nhìn mà thích mê; Kim điệp vàng tươi, rạng rỡ như ánh nắng mùa xuân; Ngọc điểm màu trắng chấm tím xinh xắn, duyên dáng như cô gái tuổi mười tám; Lan Bò cạp vằn đỏ tía, cá tính; Hoàng thảo trúc mành trắng tím mỏng manh, nhìn yếu đuối,… Lan rừng tuy không có thân mập mạp, lá xanh dày, cũng không lâu tàn như lan lai, lan nhập khẩu song lại tỏa hương thơm dịu dàng, tạo nên nét riêng. Thấp thoáng lẫn trong đó một vài giò lan lai giá cũng không quá đắt nhưng rất ít khách mua chú ý. Khác với lan bán ở các tiệm,đại lý, phong lan ở các “chợ lan rừng” là lan thô mộc, còn nguyên nhánh, nguyên cây, nguyên bó được người đi rừng lấy về với đủ chủng loại.

bán lan rừng dạo
bán lan rừng dạo

Chợ lan rừng tại góc đường Hai Bà Trưng – Lê Lai.

Đến khoảng 10h sáng hàng ngày, đi dọc quanh các tuyến đường trung tâm thành phố nhất là ngã ba Hai Bà Trưng-Lê Lai; Trần Hưng Đạo – Quang Trung chúng ta bắt gặp rất nhiều người dân chủ yếu là người DTTS bày bán các loại lan rừng xen lẫn một số điểm bán lan cố định trên các tuyến đường này. Đứng ngắm những chậu lan được bày bán bên đường Hai Bà Trưng một lúc đã thấy hàng chục người đến hỏi và mua lan rừng. Không phải ngẫu nhiên mà lan rừng được người dân “Phố núi” Pleiku ưa chuộng đến thế. Người mua hai, kẻ mua ba đến 4 loại lan về trồng. Nhìn những cây lan rừng khoẻ khoắn khoác lên mình đủ màu sắc sặc sỡ, chị Nguyễn Thị Lâm, giáo viên nhà ở Biển hồ cho biết: Lan rừng có tuổi thọ cao hơn những cây lan trồng ở những vùng đất khác, lan rừng lại nở hoa rất đẹp, rất thơm và lại dễ trồng và dễ chăm sóc. Vì thế ngày nào ghé qua đây có giò lan nào đẹp được mang từ rừng về là chị lại mua về trồng. Cũng từ đó mà chị trở thành người khách rất quen thuộc của những người dân chuyên lên rừng tìm lan về bán nơi đây. Tích tiểu thành đại, đến nay bộ sưu tập lan rùng nhà chị cũng được trên trăm loại.Cũng như chị Lâm, ông Sơn chủ quán bún ở đường Nguyễn Du một khách hàng “Mê” lan rừng cũng thường xuyên có mặt tại các điểm bán lan . Có khi không mua nhưng gần như ông thường xuyên có mặt dạo qua các điểm bán lan trên địa bàn thành phố cho thỏa cơn “Nghiền”.Với chị Huê công tác ở Sở NN&PTNT, chị Hằng ở NHNN&PTNT thì cứ nghe tin ở đâu có hàng mới là các chị tìm đến ngay hỏi mua cho bằng được một giò để bổ sung cho vườn lan yêu quý của mình. Còn với anh Hải ở phường Thống Nhất TP Pleiku, một người mới biết chơi lan “tập tẹ” cách đây mấy năm nhưng đến nay lòng đam mê lan rừng của anh đã lên đến đỉnh điểm. Cầm trên tay cụm lan nhất điểm hồng vừa mua được, anh vui vẻ nói: :“Mình chơi lan cũng khá lâu rồi, nhưng gần đây mới chuyển hẳn sang chơi lan rừng. Thỉnh thoảng nhờ bạn bè kiếm trên rừng về, còn chủ yếu là mỗi sáng cuối tuần tranh thủ ghé ra mua ở đây. Tuy lan nở thời gian ngắn nhưng có hương thơm rất dễ chịu, mỗi lần lan nở lại thấy vui vẻ, sung sướng, bõ cái công chăm sóc bấy lâu”.

lan rừng bán ở pleiku
lan rừng bán ở pleiku

Đang ra giá cho khách một loại lan mới.

Trước đây, người mua lan rừng chủ yếu là các cửa hàng lan, vựa hoa cây cảnh… về trồng rồi bán lại cho người chơi lan. Nhưng vài năm trở lại đây người chơi lan chuyển qua thú “săn” lan rừng về tự trồng và chăm sóc. Với sự khoẻ khoắn, cứng cáp với hương thơm nồng nàn, màu sắc sặc sỡ mà lan rừng đã thu hút rất nhiều người qua đường ghé thăm và “thu phục” được những khách hàng chơi lan khó tính nhất.Ở phố núi Pleiku, lan rừng được bán quanh năm nhưng mùa mưa là thời điểm rộ nhất, bởi tại thời điểm này, người chơi lan thường tìm cho mình những giống lan đẹp để chưng tết. Những nhánh lan rừng mộc mạc được người đi rừng mang về bày bán dọc trên vỉa hè một số tuyến đường của TP và trở thành những “chợ lan rừng” – điểm đến của người yêu lan. Bên cạnh điểm “chợ lan nhỏ” trên đường Hai Bà Trưng-Lê Lai, điểm bán lan của bà Phương Ngã tư đường Quang Trung – Trần Hưng Đạo và các đại lý bán phong lan, cây cảnh tổng hợp các loại như: Ty Ty đường Phan Đình Phùng, Shop hoa lan Đà Lạt, Út Gia Lai ở đường Lê Lai…ở Phố núi Pleiku còn có hàng chục điểm trồng và  buôn bán các loại  lan rừng chuyên nghiệp, có quy mô tương đối phải kể đến vườn lan “Tiến Vân” số nhà 178-Huỳnh Thúc Kháng, vườn lan “Cu Mèo” ở 14 – Hùng Vương, Vườn lan “Trung Đức” ở  09 Nguyễn Bỉnh Khiêm phường Yên Thế TP Pleiku và đặc biệt là vườn lan gần 2 ha của ông “Long đen” trên khu vực vườn mít thuộc xã Diên Phú -TP Pleiku.

 

Chủ vườn lan “Long Đen” đang vào chậu Hồng Môn.

Lan rừng tại “Chợ” ở Pleiku được bán khá rẻ, một bó lan loại vừa giá khoảng 25.000 – 30.000 đồng, còn cụm lớn hơn một chút thì có giá 50.000 – 100.000 đồng.  Người bán cũng có thể bán theo kg tùy từng loại. Loại trung bình có giá từ 100.000 đến   250.000đ/kg. Thi thoảng, người ta tìm được có loài quý như Trúc Phật Bà thì giá lên tới 700 – 800.000đ/kg. Còn tại các vườn lan như “Tiến Vân”; “Cu Mèo”, “Trung Đức”, Lan được mua, bán theo giá sỉ là chủ yếu, ngoài ra người mua, người bán có thể mua bán qua mạng, mua bán, trao đổi hàng gửi từ ngoài Bắc vào, từ Lào qua, từ Đà Lạt tới theo đặc sản của từng vùng. Những ngày giáp tết theo đặt hàng các loại lan rừng như: U lồi, Đen rô mùa xuân, Cánh gà Sa Pa, được các đại lý đóng bao gửi xe khách vào bán cho người chơi. Mùa mưa, mùa trồng và khai thác lan ở Tây Nguyên các đại lý, các chủ vườn ở Gia Lai lại thu gom, đóng gói các loại lan đặc sản Tây Nguyên như: Hoàng Lan, Quế lan hương, quế tím, quế vàng, giả hạc, đuôi chồn, thủy tiên các loại gửi đi. Mỗi buổi sáng hàng ngày, tại vườn lan Tiến Vân đường Huỳnh Thúc Kháng thường xuyên có hàng chục khách hàng chơi lan “Chuyên nghiệp” có mặt để cùng ngắm và mua những loại thuộc “hàng độc” mới về để bổ sung cho bộ sưu tập của mình, hoặc mua đi, bán lại kiếm lời.

lan Quế Vàng
lan Quế Vàng

Chủ vườn lan Tiến Vân đóng gói lan Quế Vàng chuyển ra Bắc.

Họ còn trao đổi theo sở thích, có khi một giò lan lên tới vài triệu, có khi họ lại tặng nhau, trao đổi cho nhau vì “Đẳng cấp”, vì sự đam mê sở thích sau một lần ngồi uống cà phê cùng ngắm lan và cùng nói chuyện về lan. Theo quan niệm của cánh chơi lan, am hiểu về lan ở Pleiku, có những loại lan thuộc “hàng độc” có khi  thoạt nhìn chẳng mấy ai thấy cảm tình vì nó chỉ vẻn vẹn có mấy nhánh khô cằn, cong queo như cây củi khô nhưng lại thuộc hàng hiếm, được xem là hàng nghệ thuật là “Vô giá” và có khi mức giá lên tới 500-1 triệu đồng chỉ 1 nhánh nhỏ mà đem về trồng không biết đến khi nào mới ra hoa. Nhưng cũng có rất nhiều loại lan nhìn thoạt đầu rất sung sức, bắt mắt mà giá lại rất bình dân chỉ vài chục ngàn đồng một giò rất to.  Riêng với vườn lan ông “Long đen” ở Diên Phú có quy mô vào hạng nhất Gia lai, đầu tư hàng tỷ đồng, với đủ loại, lan nội, lan ngoại. Nhưng có lẽ bên cạnh các loại lan phổ biến, nhiều nhất vẫn là Hồng môn và một số loại lan rừng quý hiếm. Mỗi lần ông mua về trồng vài tạ là chuyện bình thường, mới đây có “Hàng độc” giá 1,8 triệu đồng 1kg ông bỏ ra 180 triệu đồng mua ngay một tạ về trồng tại vườn. Nhiều năm qua ông không bán lẻ, mà chỉ bán tại vườn thông qua đại lý với số lượng xuất, nhập mỗi lần rất lớn. Nếu mưa thuận, gió hòa ông kiếm tiền tỷ mỗi năm không là chuyện khó. Người không quen khó có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng vườn lan nhà ông bởi sự canh cẩn rất nghiêm nghặt vì sợ lọt bí quyết trồng lan.

vườn lan dùng chậu gỗ
vườn lan dùng chậu gỗ

Những chậu gỗ như hình trên có bán tại đây : http://runglan.com/ban-chau-go-trong-lan/

Một góc vườn lan rừng Tiến Vân.

Những năm gần đây, khi thú chơi lan rừng ngày càng được nhiều người ưa thích, bán lan rừng trở thành một nghề tăng thêm thu nhập cho một số bà con dân tộc tại chỗ, nên lượng người vào rừng tìm lan ngày càng nhiều. Thế nhưng, nghề tìm lan rừng cũng lắm nhọc nhằn, phải băng rừng, vượt suối, trèo núi, gặp bao khó khăn. Để kiếm được lan rừng không phải là dễ. Những “Thợ” hái lan rừng ở đây phải lên tận các khu rừng ở huyện vùng sâu của tỉnh Kon Tum, bên đất Lào, hay những khu rừng sâu ở Kbang, Kôngchro, vùng biên giới Việt Nam-Cămpuchia để tìm hái lan, có khi phải mất 3 đến 4 ngày mòn mỏi mới kiếm được một bao lan rừng. Những loại lan cùng chủng loại được khai thác với số lượng lớn sẽ được nhập về cho các chủ vườn tính theo Kg để bán sỉ và xuất đi các tỉnh bạn. Những năm gần đây do khai thác quá nhiều  vì nguồn lợi trước mắt nên một số loại lan rừng đã được liệt vào sách đỏ như lan Hài đài cuộn, lan kim tuyến và nhiều loại lan quý khác bắt đầu giảm mạnh về số lượng. Lan rừng thường bám vào những thân, cành cây đã khô và mục, những cây cao ở rừng sâu hay trên đỉnh dãy núi đá nên việc lấy chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Người tìm lan nhất định phải dày dạn kinh nghiệm đi rừng, sức khỏe tốt, và đặc biệt là leo trèo giỏi. Hầu như ai cũng từng trải qua những trận sốt rét, rồi vắt, ong bò vẽ, rắn độc cắn, thậm chí còn bị chấn thương, để lại dị tật suốt đời. Song vì mưu sinh cuộc sống người ta vẫn chấp nhận dấn thân lên rừng, những giống lan quý hiện nay càng ngày càng ít, thỉnh thoảng may mắn lắm mới có đôi ba nhành quý, còn lại là những loại bình thường. Những nhánh lan rừng tươi xanh bị bứt khỏi đại ngàn, rồi được người chơi mua về, dày công ươm trồng, chăm sóc một thời gian dài, những nhánh lan rừng mới hồi sinh, xanh tươi trở lại mang đến cho  người chơi thú vui tao nhã, những phút giây thư giãn sau những phút giây làm việc mệt nhọc.

Lan rừng đẹp là vậy, quý hiếm, thanh cao, tao nhã là vậy, nhiều người ưa chuộng là vậy, nhưng có mấy ai bận lòng suy nghĩ rồi sẽ có một ngày trên cánh rừng xanh bạt ngàn Tây Nguyên thiếu đi những sắc hoa lan rạng rỡ?. Cách suy nghĩ đơn giản của người bán, cụm lan to bán nhiều tiền, cụm lan nhỏ bán ít tiền, giống lan quý bán cao hơn một chút; Cách bảo quản lan quá thô sơ, bày bán bên hè phố, nắng gắt, thỉng thoảng tưới chút nước, thậm chí nhiều khi bán không được họ để mặc những cụm lan lăn lóc, lụi tàn trên hè phố. Nhu cầu chơi lan rừng càng cao thì dòng chảy lan rừng về phố ngày càng ồ ạt, nguy cơ nhiều loài lan quý sẽ bị xóa sổ đang thấy rõ. Giá như người ta đừng khai thác lan rừng theo kiểu tận diệt, hoặc sau khi bán những cành hoa đẹp có giá trị cao, còn lại số lan rừng nhỏ lẻ, họ gom góp mang về chăm sóc, tạo dáng để lan sinh trưởng phát triển tốt, ổn định rồi mới bán, vừa giữ gìn được nguồn gen lan rừng quý hiếm, vừa tạo được nguồn hoa đều đặn để bán thì hay biết mấy

nguồn: gialaitv

Giới thiệu nhatkhoa 2102 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi