Cá thể lan Vani được phát hiện ở độ cao trên 200m. Thân cây lan này có dạng dây leo, đường kính thân cỡ 7-8mm, dài khoảng 3-4m và phân nhánh, mang nhiều lá có phiến dày hình elip, mỗi lá có kích thước khoảng 15-20cm chiều dài và 6-9cm chiều rộng.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu chưa thể định danh loài lan này vì chưa tìm thấy hoa. Tiếp tục theo dõi, mới đây, ngày 12/04/2012, anh Hồ Ngọc Quỳnh cán bộ Khu BTTN Hòn Bà đã phát hiện cây lan Vani này đang trổ hoa.
Theo quan sát, cây có phát hoa dài 4-6cm mang 4 hoa, đài và cánh hoa có màu vàng xanh, môi hoa màu tím đỏ rất duyên dáng. Hoa to có đường kính khoảng 3,5 – 4cm, có mùi thơm và nở không hoàn toàn như những loài lan Vani khác.
Phát hiện một loài lan Vani mới cho ở Việt Nam – Vanilla shenzhenica
Sau khi nhận được nguồn tin và hình ảnh do Khu BTTN Hòn Bà cung cấp, nhóm nghiên cứu đã tra tìm tài liệu về các loài lan Vani, đồng thời tham khảo ý kiến của GS.TS. Leonid V. Averyanov (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), chuyên gia hàng đầu thế giới về lan Việt Nam.
Theo GS.TS. L.V. Averyanov, đây là loài Vanilla shenzhenica Z.J.Liu & S.C.Chen được phát hiện và mô tả ở Thâm Quyến (Nam Trung Quốc) vào năm 2007. Trong một số tài liệu trước đây về lan Việt Nam như của TS. Gunnar Seidenfaden (1992), GS. Phạm Hoàng Hộ (1993) và GS. Trần Hợp (1998) hay GS.TS. L.V. Averyanov (2003) đều chưa thấy đề cập đến sự hiện diện của loài lan này. Có thể khẳng định rằng đây là lần đầu tiên loài lan Vani này được ghi nhận ở Việt Nam. Hiện nay, các chuyên gia đang thực hiện việc lấy mẫu và giám định lần cuối.
Chi lan Vani có tên khoa học là Vanilla. Trên thế giới có khoảng 70 loài lan Vani, hầu hết mọc ở vùng nhiệt đới. Tính đến thời điểm hiện tại, Vanilla shenzhenica là loài lan Vani thứ năm được ghi nhận ở Việt Nam sau 4 loài Vani không lá (Vanilla aphylla), Vani trắng (Vanilla albida), Vani trung bộ (Vanilla annamica) và Vani pierre (Vanilla pierrei) được GS. Phạm Hoàng Hộ ghi nhận(1993).
Các Loài lan Vani ở Việt Nam
Lan vani là một loại dây leo thực vật sống phụ sinh. Chúng được ghi nhận là loài cây đặc biệt trong họ lan có khả năng cho hương vani trong thiên nhiên.
Lan Vani không lá (Vanilla aphylla Bl.). Dây leo của loài này bám lên các cây gỗ độ cao khoảng 2-3 m. Thân của chúng có màu xanh lục, đường kính gần 1 cm; cánh hoa có màu xanh lục nhạt, dài khoảng 3 cm; cánh môi hoa có 3-4 sọc đỏ và lông màu tím. Loài này phân bố ở khu vực Hòn Hèo (Ninh Hòa), Suối Cát (Cam Lâm). Vani không lá còn được ghi nhận có phạm vi phân bố khá rộng trong các đai rừng dầu ven biển bán khô hạn Nam Trung Bộ kéo xuống đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu, Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Vũ Ngọc Long.
Lan vani trắng (Vanilla albida Bl.). Loài này có dây leo phân nhánh nhiều dài 5-6 m, bám trên các cây gỗ hoăc cây bụi. Thân của chúng có màu xanh đậm, đường kính 0,7 cm. Phiến lá lan vani hình ellip hơi hẹp, đầu nhọn, dài đến 15 cm. Mùa ra hoa của lan vani trắng là tháng 2-4. Loài này còn có tên gọi là đồng danh là Vanilla yersiniana Guill, để tưởng nhớ bác sỹ A.Yersin, người đã khám phá Hòn Bà năm 1915. Lan vani trắng thường hiện diện ở rừng ẩm ven suối, phân bố tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và Ba Hồ (Ninh Hòa) ở độ cao khoảng 300-400 m. Ảnh: Trần Giỏi.
Lan vani hồng (Vanilla sp.). Loài này còn được gọi là vani Hòn Bà. Vani hồng thường bám trên các thân cây gỗ, dây leo rất dài trên 10 m. Lá lan dày láng, hình ellip hẹp, dài gần 20 cm. Lan vani hồng ra hoa vào tháng 3-5. Loài này có phạm vi phân bố hẹp, chỉ tìm thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà ở độ cao khoảng 500-700 m, hiện diện dưới tán rừng kín thường xanh cây lá rộng. Đây là loài vani mới được ghi nhận tại Khánh Hòa. Ảnh: Trần Giỏi.
Lan vani nhiều lông (còn gọi Lan vani Vọng Phu), Vanilla atropogon Schuit., Aver. & Rybkova. Dây lan leo có thân trườn hay bò, dài đến 10 m, thân loài này có màu xanh đậm đường kính gần 1 cm, lóng dài 7-10 cm, có rễ ở mắt. Mùa ra hoa của loài này là khoảng tháng 2-4. Loài này được ghi nhận đầu tiên vào năm 2011 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, nhưng lúc đó chưa thu thập đủ dẫn liệu khoa học và mẫu hoa. Theo Giáo sư Leonid Averyanov (Nga) chuyên gia hàng đầu về lan Việt Nam, hình thái và giải phẫu của loài này khá giống với đặc điểm hình thái của loài Vanilla shenzhenica Z.J.Liu & S.C.Chen (đã phát hiện và mô tả vào năm 2007 ở Shenzhen, phía nam Trung Quốc. Tháng 4/2013, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái học Miền Nam đã tìm thấy và thu được mẫu loài này ở rừng ven suối khu vực tiếp giáp núi Vọng Phu ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa ở độ cao gần 700 m.
Đối chiếu với các tài liệu liên quan, loài này có nhiều đặc điểm rất khác so với những loài vani đã mô tả và các nhà khoa học đã nhận định đây sẽ là một loài mới của thế giới. Lúc đó nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đặt tên là Lan vani Vọng Phu (Vanilla vongphuensis). Sau khi nhóm nghiên cứu thu thập và đem mẫu lan này về lại TP HCM, Ông Nguyễn Thiện Tịch đã vẽ, mô tả chi tiết và liên lạc với André Schuiteman (Vườn Thực vật Kew, Anh quốc) và biết được loài này đang chuẩn bị công bố với tên Vanilla atropogon Schuit., Aver. & Rybkova -từ mẫu vật do TS.Rybkova lấy từ Hòn Bà. Ảnh: Lưu Hồng Trường.
Lan vani lá lớn (Vanilla sp.). Dây leo của chúng mọc bám trên các thân cây gỗ, loài này có thể leo cao khoảng 8 m, dây có màu xanh đậm, đường kính 1cm. Đến nay, rất tiếc các nhà nghiên cứu vẫn chưa thu được mẫu hoa của loài này trong tự nhiên. Lan vani lá lớn khá giống với vani Trung bộ (Vanilla annamica Gagn. ex Averyanov). Loài lan vani này hiện diện ở rừng nguyên sinh kín thường xanh, hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim, phân bố ở vùng đỉnh Hòn Bà ở độ cao khoảng 1.500 m, với số lượng cá thể rất ít. Ảnh: Trần Giỏi.
Gửi phản hồi