Đây có lẽ là một mô hình hay, tôi cũng dự định làm 1 mô hình như thế nào hay làm khu bảo tồn lan rừng ở Tây Ninh ( gần khu du lịch núi Bà Đen ) nhưng hiện nay chưa đủ điều kiện về tài chính. Nếu bạn nào thích thì tham khảo mô hình của anh Bắc nhé!
Cà phê với lan rừng Phố núi
Nằm lặng lẽ gần cuối phố, dưới dốc đường Đinh Tiên Hoàng giao với đường Trần Quý Cáp (TP. Pleiku), quán “Càfe-Lan rừng Kỳ Bắc-Lê Anh” không vì vậy mà vắng khách. Khách tới uống cà phê chủ yếu là để ngắm lan, được thưởng thức hương vị cà phê quyện trong hương lan rừng say đắm ngọt ngào.
Chủ quán-anh Lê Bắc hiện đang công tác tại Phòng Kỹ thuật của Công ty Thủy điện Ia Ly nên thời gian dành cho vườn lan rừng của anh chỉ là những ngày nghỉ và những ngày ấy, anh say sưa ra vườn cùng với khách cà phê. Anh nâng niu giới thiệu tỉ mỉ từng loại lan. Vườn nhà anh hiện đang có hơn 70 loại lan rừng, chủ yếu là những loại dễ trồng và đang được ưa chuộng như: giả hạc, nghinh xuân, long tu xuân, hạc vỹ đại ý thảo, hoàng nhạn, quế trắng, kiều vàng. Vì yêu lan rừng nên anh chung vốn gầy dựng vườn lan, bỏ công chăm lan.
Anh Bắc cho hay, vườn này anh đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng, sắp đến sẽ nâng cấp nới rộng vườn và quán cà phê. Tổng diện tích vườn hiện tại hơn 500 m2, quán là 200 m2, sắp đến sẽ mở rộng vườn thêm 500 m2, quán thêm 400 m2 để phục vụ nhu cầu uống cà phê và thưởng lan của khách. Để có được sự đầu tư này, tôi kết hợp với Lê Anh-hiện công tác tại Trường Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên. Mỗi người một mảng: Lê Anh chuyên sưu tầm các giống lan lạ, quý; tôi chuyên tâm chăm sóc lan, gầy dựng các giò lan, các thế lan, chữa bệnh cho lan…”-anh Bắc tâm sự.
Khi Kỳ Bắc đang say sưa kể về các công đoạn chăm lan thì Lê Anh xách về một bì nho nhỏ lan hài Paphiopedilum. Lê Anh cho hay, bì lan này vừa được chuyển từ Lào về, nó rất quý và hiếm. Giống lan hài này mới được phát hiện năm 2014. Nhìn Lê Anh ngồi nâng niu đếm từng cây nhỏ nhắn, mảnh mai, yếu ớt của lan hài rồi loay hoay chụp hình, trò chuyện với bạn về loài lan mới có này, tôi càng thấy được sự đam mê của cậu ấy.
Một người ngoại đạo với lan, tôi tự gọi mình như vậy. Thế mà buổi sáng nay, khi nắng vàng len lỏi với vườn lan rừng xanh mướt, tôi thấy mình nhen nhóm chút đam mê tìm hiểu lan rừng. Những khách hàng ngồi trong những bàn cà phê dưới vườn lan rừng, ngoài việc thưởng thức cà phê, thưởng thức không gian êm ái của một ngày nghỉ, tôi chắc rằng, họ cũng đem theo những kiến thức về lan rừng khi nghe ông chủ quán say sưa kể chuyện. Một góc lặng lẽ, một bàn lặng lẽ, có một người ngồi lặng lẽ nhấm nháp cà phê và lơ đãng ngắm lan rừng. Tôi lân la hỏi chuyện. Anh cho biết: Anh tên Nguyễn Thành Trung-hiện công tác tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ xã Nam (huyện Kbang). Là người đam mê lan, nhân ngày nghỉ, anh lên đây để thưởng thức cà phê với lan rừng, vừa là một cách thư giãn cuối tuần, vừa học hỏi những kinh nghiệm do chủ quán chia sẻ để về Kbang, anh nhân rộng vườn lan của mình cho thỏa nỗi đam mê.
Đến vườn lan thường xuyên để ngắm lan và nếu thấy thích, bạn có thể xách về một vài giò lan rừng làm kỷ niệm. Anh Phạm Gia Hải-khách hàng thân thiết của quán cà phê lan rừng cho biết: Anh rất bận với công việc kinh doanh của mình nên việc chăm lan đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tỉ mỉ là anh khó thực hiện. Nhưng với lan rừng, chăm sóc không tốn thời gian, không cần đầu tư nhiều vốn, nên lâu lâu lại đến đây và xách về giò nào yêu thích, nhiều hơn là những lần đến chỉ để uống cà phê, bàn chuyện về lan rừng, ngắm lan, ngửi lan… và đem theo tinh thần sảng khoái về nhà. Ấy mà thành thói quen. Lâu không đến với vườn lan, dẫu công việc có bận rộn thế nào, anh vẫn nhớ thẫn thờ và phải sắp xếp thời gian để đến vườn ngay khi có thể.
Dạo quanh vườn lan một vòng vào mỗi sáng sớm rồi mới quay lại với ly cà phê thơm lừng trong một không gian bình yên, tĩnh lặng để trầm lắng những suy tư, thấy cuộc đời này êm ái lạ. Nếu bạn ở Pleiku, hãy đến với quán “Càfe -Lan rừng Kỳ Bắc-Lê Anh”, bạn sẽ cảm nhận được hơn lời tôi nói vì không thể nói hết được những cảm xúc đáng yêu với cà phê lan rừng giữa phố bình yên.
Nguồn: báo Gia Lai
Gửi phản hồi