Thú Chơi Lan rừng ở Ninh Thuận

Nuôi trồng hoa lan là một thú chơi tao nhã, hoà quyện tình cảm con người với thiên nhiên.

Khi chăm chút hoa lan chính là lúc chúng ta chăm chút cho cái đẹp cuộc sống và nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, thanh cao.

(NTO) Ngày xưa, mọi người quan niệm vua chơi lan, quan chơi trà, thú chơi hoa lan chỉ giành cho giới vua chúa. Bây giờ thì người bình dân nếu yêu thích thì vẫn chơi được hoa lan. Và trên vùng nắng gió của núi rừng Ninh Thuận đã có những điều khá kỳ thú về chuyện tìm lại những giống lan quý một thời gây xôn xao trong giới chơi lan ở Việt Nam và thế giới.

Vài nét về lan rừng:

Lan là loài hoa vương giả, có nét đẹp mê hồn nên được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa. Giới chơi lan chuyên nghiệp vẫn thích chơi lan Việt Nam bởi lẽ hương sắc thanh khiết, ý nhị như tâm hồn Việt. Hoa lan Việt Nam có gần 1000 loài được chia làm hai dòng là phong lan có hoa nở bốn mùa (sống trên những thân cây) và địa lan thường nở hoa vào mùa xuân (sống trên gành đá). Trong đó có giống lan hài Việt Nam có khoảng 15 loài rất quý hiếm nên được gọi là đệ nhất chi lan. Với diện tích rừng tự nhiên trên 150 ngàn mẫu tây, tỉnh Ninh Thuận có hàng trăm loài lan rừng qúy hiếm tập trung chủ yếu ở vùng núi cao thuộc hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái.

Anh Nguyễn Văn Lập giới thiệu về giống lan hài hồng được tìm thấy tại Bác Ái

Chúng tôi có dịp trao đổi với anh Nguyễn Văn Lập, 62 tuổi ở thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn. Anh Lập được giới chơi lan địa phương phong tặng danh hiệu “ông vua” lan rừng Ninh Thuận. Anh Lập có thể nói thuộc lòng về tên gọi khoa học, đặc tính sinh lý, địa bàn phân bố, kỹ thuật chăm sóc trên một trăm loài lan rừng.

Theo anh Nguyễn Văn Lập, cách đây gần nửa thế kỷ, vùng đất Sông Pha dưới chân đèo Ngoạn Mục còn đậm nét hoang sơ. Bước chân ra ngõ ngước mắt nhìn lên là thấy lan rừng nở hoa quyến rũ lòng người. Có thể điểm qua một số sắc màu của hoa lan thường gặp ở Ninh Thuận: Vàng tươi, rực rỡ như lan Vảy cá; vàng cam chói chang như Hoả hoàng; trắng ngần như tuyết của Tóc tiên; xanh biếc da trời của Hải yến; đỏ thắm của Huyết nhung; tím phơn phớt của Dã hạt; tím hồng rực rỡ của Báo hỷ; vàng chanh có đốm nâu của Cẩm báo…

Về kích thước hoa có loại lớn như Hạc đỉnh, Hồng lan; loại hoa trung bình như Thủy tiên. Điểm độc đáo của lan rừng Việt Nam là vừa có sắc thắm vừa thoảng hương thơm: Dịu dàng như Bạch câu, nồng nàn như Ngọc Điểm, ngạt ngào như Hải yến. Đối với lan nhập ngoại tuy sắc màu rực rỡ nhưng rất hiếm loài có hương.

Những điều kỳ thú:

Trên bước đường săn lan rừng, anh Nguyễn Văn Lập tình cờ tìm gặp loài lan hài hồng có tên trong danh mục lan rừng Việt Nam nhưng trên thực địa đã bị “thất truyền”.

Sự kiện này đã gây chấn động giới chơi lan trong và ngoài nước. Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 5-1993, anh Lập gặp một loài lan lạ trong căn chòi của ông Tịnh “râu” là người làm nghề đãi thiếc ở xã Phước Đại (huyện Bác Ái). Cây địa lan có lá hình bầu dục dài khoảng 8-10 cm. Mặt lá xanh đậm có lấm chấm vân nâu nhạt. Theo mô tả của ông Tịnh, loài lan “tai voi” này trổ bông dạng chiếc hài màu phớt hồng, hương thơm thoang thoảng. Anh Lập bất ngờ trước một loài lan lạ mà trong đời anh đã từng rong ruổi khắp núi rừng Ninh Thuận nhưng chưa hề gặp. Qua tham khảo tài liệu về hoa lan, anh nghi ngờ có thể đây là loài lan hài hồng qúy hiếm có tên khoa học Paphiopedilum delenatii.

Anh Nguyễn Văn Lập và anh Nguyễn Ngọc Minh giới thiệu về cây lan hài Paphiopedilum delenatii.

Theo anh Lập cho biết, vào khoảng năm 1913, có một sĩ quan Pháp tên De.Lenat từ Việt Nam trở về cố quốc mang theo loài địa lan từ xứ nhiệt đới Đông dương. Trước hương sắc tuyệt mỹ của nó được giới chơi lan phương Tây yêu thích gọi là “kỳ hoa dị thảo”. Các nhà thực vật học đã lấy tên của người sĩ quan pháp này đặt cho loài lan hài hồng Paphiopedilum delenatii. Theo gốc chữ Hy Lạp Paphio (thần Vệ nữ) pedilum(chiếc hài), ghép hai từ này gọi là chiếc hài thần Vệ nữ. Việt Nam chúng ta gọi chung là giống lan hài. Từ đó đến giữa năm 1993, giới chơi lan không còn thấy lan hài hồng ở Việt Nam.

Thú chơi lan rừng của người dân Ninh Thuận

Từ cây lan “tai voi” này, anh Lập gởi mẫu về TP. Hồ Chí Minh được các nhà chuyên môn xác nhận đây chính là cây lan hài tuyệt mỹ Paphiopedilum delenatii đã “mai danh ẩn tích” suốt tám mươi năm qua ở Việt Nam. Theo lời hướng dẫn của ông Tịnh, anh Lập tìm thấy loài lan hài hồng sinh sống khá dày trên đỉnh núi Tà Năng có độ cao khoảng 800 mét so với mặt biển, thuộc xã Phước Đại, huyện Bác Ái. Việc tìm lại loài lan Paphiopedilum delenatii hiện hữu ở Ninh Thuận là một hiện tượng gây chấn động trong giới chơi lan trên toàn thế giới.

Lan hài mang tên Bác:

Điều kỳ thú nữa là loài lan hài Paphiopedilum delenatii (hài hồng) có nguồn gốc từ Ninh Thuận được giáo sư Olaf Gruss nhà thực vật học nổi tiếng người Đức lai tạo với loài Paphiopedilum vietnamense (hài bóng), đây là hai loài lan đẹp xuất sắc nhất của Việt Nam. Công trình được thực hiện từ năm 1998 đến năm 2002 loài lan hài mới lai tạo nở hoa đỏ thắm, hương thơm thanh thoát. Theo tạp chí Hoa Cảnh TP. Hồ Chí Minh số ra tháng 2-2003 cho biết giáo sư Olaf Gruss đăng ký bản quyền và lấy tên danh nhân văn hoá thế giới, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam đặt tên cho loài lan hài mới: Paphiopedilum Hồ Chí Minh. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao cho giới yêu thích hoa lan Việt Nam và thế giới.

 

Giới thiệu nhatkhoa 2102 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi