Hướng dẫn thay chậu mới cho lan hồ điệp, denro… và các loại lan khác tương tự
Chi Lan hồ điệp (danh pháp: Phalaenopsis Blume (1825)), viết tắt là Phal trong thương mại, là một chi thực vật thuộc họ Lan chứa khoảng 60 loài. Đây là một trong những chi hoa lan phổ biến nhất trong thương mại với việc phát triển nhiều loài lai nhân tạo.
Lan hồ điệp có thời gian sống rất dài. Điều đó có nghĩa là các bạn sẽ phải biết khi nào và làm như thế nào để thay chậu cho cây. Có hai lý do mà cây cần được thay chậu, hoặc là cây không sinh trưởng được trong chậu đang trồng hoặc giá thể bị phân hủy và không đủ không khí để duy trì cho rễ phát triển tốt
Việc thay chậu có thể thực hiện một lần trong một năm hoặc hai năm. Mùa thích hợp nhất để thay chậu là mùa xuân.
Khi thấy có một lá bên trong đang nổi lên từ trung tâm của cây lan hồ điệp, điều này chỉ ra sự bắt đầu của mùa sinh trưởng.
Rễ cây phát triển lan ra sẽ phủ lên chậu và giá thể ở trong chậu làm bịt kín các khe hở giữa các rễ, không có khoảng trống giữa giá thể và rễ cây. Điểm bắt đầu của thân cây nên được giữ một đoạn ngắn ở dưới giá thể. Sau khi thay chậu nên giữ cây trong bóng mát và tưới nước sau 3 ngày.
Cách chăm sóc lan hồ điệp sau Tết
Các cây lan hồ điệp trưng bày ngày Tết thường ghép vào các chậu lớn tạo nên những giò lan rực rỡ. Tuy nhiên, sau Tết, do các gia đình bận rộn nên thường quên hoặc chăm sóc lan không chu đáo, vì thế phần lớn lan bị chết hoặc không thể phát triển, hoặc lụi dần do người chơi không mấy quan tâm đến hoặc chưa biết chăm sóc nó ra sao sau khi tàn hoa.
Độc giả Hà Bắc chia sẻ cách xử lý và chăm sóc cây lan hồ điệp sau khi tàn hoa:
Dùng kéo cắt bỏ ngồng hoa, cách mắt ngủ cuối cùng trên cần hoa khoảng 3 cm. Không nên cắt sát cần cuống, dễ làm dập gãy lá và dễ bị thối lan vào thân cây. Chỗ mắt ngủ còn lại trên cần hoa có khả năng cho ra cây con, dùng bông y tế chấm ít thuốc atonic đặt vào chỗ mắt ngủ khoảng một tuần rồi mở ra, sau 1-2 tháng có khả năng ra cây con.
– Đối với các lá bị bệnh ít, tỷ lệ vàng úa chưa quá 1/3 lá thì ta cố gắng giữ lá đó bằng cách dùng dao lam hoặc dao thật sắc khoét bỏ phần bị lá bị hỏng.
– Đối với các lá bị bệnh nhiều, mặt sau lá có dấu hiệu nấm, nhện loang rộng nên cắt bỏ hoàn toàn.
Tiếp theo, xử lý phần gốc và rễ: Người trồng nên quan sát rễ cây. Đa phần các cây hồ điệp trồng công nghiệp bằng rêu nước, dịp Tết do người nhà vườn hoặc người chơi tưới nước nhiều, do vận chuyển, cắm que sắt uốn hoa làm cho rễ cây bị thối rất nhiều. Ta cần rút bỏ bầu nhựa.
– Nếu thấy rễ cây vẫn còn tươi xanh, thối ít thì ta cố gắng giữ nguyên cả bầu của cây, dùng kéo sạch cắt bỏ tất cả các rễ thối, để nguyên các rễ vẫn còn tươi xanh. Bôi vôi, hoặc sơn móng tay, hoặc thuốc làm liền da cây, hoặc keo 502 vào tất cả các vết cắt đặt nguyên bầu cây vào chậu, dùng dây cố định chặt gốc cây lan không cho lung lay. Đổ dớn cọng đã xử lý nấm vào xung quanh chậu vỗ nhẹ cho hơi chặt, không phủ kín lên gốc để quan sát sự phát triển của rễ cây.
– Nếu rễ cây bị hỏng nhiều, gỡ bỏ toàn bộ phần rêu nước trong bầu cây để cắt rễ thối, cắt bỏ toàn bộ các rễ bị thối hoặc dập gãy. Bôi vôi, keo vào vết cắt, bỏ ít xốp vào đáy chậu.
Cây bị cắt gần như hết rễ nên rất khó đứng vững trong chậu. Dùng một thỏi xốp hình chữ nhật, đặt vào chính giữa gốc cây, cho cây lên cục xốp đó. Buộc dây vào gốc và buộc cố định chắc chắn sang hai bên không cho cây bị lung lay khi cầm chậu.
– Để cây vào chỗ mát, tránh mưa tuyệt đối, để khô khoảng ba ngày sau thì tưới đẫm toàn bộ chậu 1 lần.
– Pha phân bón B1 hoặc thuốc kích thích tăng trưởng như Atonic, K/H …thật loãng, tỉ lệ 1/2 thìa cà phê cho 20 lít nước phun sương ẩm hàng ngày.
– Khoảng 1-2 tuần sau, các rễ mới nhú ra, đợi khi rễ non cắm vào giá thể thì đổ thêm một lớp đất vào.
– Sau 1-2 tháng cây phát triển ổn định trở lại, bón phân, tưới nước bình thường.
Gửi phản hồi