Với mỗi dòng có 1 cách nhân giống riêng, nhân giống từ hạt, từ thân… nhưng riêng với hoàng thảo thì có nhiều cách. Tôi sẽ viết từng cách một theo thứ tự ưu tiên từ dễ đến khó, các hình ảnh minh hoạ sẽ được bổ xung sau. Và với mỗi các thì nên áp dụng với những cây nào.
Bài viết này của bác Truong_hoangthao bên Dalat rose. Mình thấy quá hay và chi tiết nên mạn phép mang về cho các bác trong hội tiện tham khảo.
Như mọi người đều biết, hoàng thảo là giống hay mọc cây con trên thân (cái này gọi là ceiky). Cách nhân giống này đơn giản, hiệu quả và an toàn nhất.
Để có nhiều ceiky, ta phải tạo được môi trường lý tưởng để cây mẹ cho cây mà không cho hoa, điều này đồng nghĩa với việc phải hy sinh 1 mùa hoa vì những cây trưởng thành chuẩn bị cho hoa sẽ là những cây cho chất lượng ceiky tốt nhất.
Môi trường lý tưởng đó gồm: mát nhưng không tối, ẩm nhưng không ướt, thoáng nhưng không nắng.
Thời điểm để ươm ceiky: Bắt đầu khi cây nghỉ, tức là khi cây rụng hết lá, lúc này ta nên mang cây vào nơi mát, tưới Phun sương giữ ẩm thường xuyên, tưới vào thân và để khô gốc.
Bổ xung một lượng kích thích sinh trưởng như atonic, phân cá, B1… tuần 2 lần, thậm chí hàng ngày.
Kinh nghiệm cho thấy khi ươm ceiky, ta nên đặt thân cây mẹ nằm ngang và bó sẵn giá thể (Dớn, hoặc gỗ đã được bó xơ dừa, rêu nước để tăng độ giữ ẩm)
Khi cây con đã dài khoảng 5-7cm, rễ đã bám vào giá thể mới, ta mạnh dạn cắt hẳn thân mẹ, cách này hay hơn là vẫn giữ thân mẹ tại giá thể cũ vì lúc này cây mẹ sẽ dốc hết sức để nuôi con, cây con sẽ mọc nhanh hơn.
Một số chú ý đối với cách này:
– Thích hợp với các loài thân thòng hoa đơn dọc thân cây (nobile) như giả hạc, hạc vỹ, long tu, đùi gà….
– Sau khi tách hẳn giá thể, mang ra nắng trực tiếp sẽ làm cây con khoẻ mạnh và lớn nhanh hơn là giữ trong dàn mát mẻ Nếu sau một vài ngày nắng thấy cây vẫn chịu được thì nên giữ nguyên vị trí tập cho cây quen dần.
– Tưới thoải mái, kể cả giữa trưa nắng, quan sát thấy giá thể và lá nóng quá thì phun nước giảm nhiệt.
Cách nhân giống lan hoàng thảo thứ 2: từ hạt
Cách này tương đối khó và phụ thuộc nhiều vào may rủi, nhưng có 1 cách nâng cao tỉ lệ nảy mầm.
Tôi đã thử nhiều cách nhưng có 1 cách cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất, ở đây không tính đến khả năng sống sót của cây con.
Đợi quả chín: có màu vàng, căng hoặc đợi quả nứt vỏ, khi đó hái quả, tách lấy phần bông bên trong, hoà vào dung dịch gồm đường gluco và atonic, liều lượng 1 lít nước + 1 chén “hoa hồng” đường gluco + 1 nắp chai lavie atonic.
Khuấy đều rồi đổ dung dịch vào bình phun lên các gốc cây mẹ.
Sau khi phun hạt, ta chỉ tưới phun sương nhẹ, giữ ẩm đều trong khoảng 1 tháng là bắt đầu thấy cây con xuất hiện, tỉ lệ thì tuỳ vào giá thể mẹ có thích hợp hay không (tôi chỉ nói được như thế). Cây mọc từ hạt hay bị nấm bệnh, côn trùng ăn… nên phải trông coi thường xuyên, tránh mưa trực tiếp, tránh ánh nắng và cần điều kiện môi trường ổn định, không nên thay đổi vị trí cây chủ.
Cách thứ 3, an toàn, tỷ lệ cao, cây con khoẻ nhưng cần chăm sóc đặc biệt.
Đã bao giờ bạn cầm trên tay 1 loại hoa ưng ý, lưỡi đẹp cánh tròn nhưng chỉ có 3 cọng, 1 bà 1 mẹ 1 con èo uột đang trổ bông? biết chắc hoa đẹp rồi nhưng làm thế nào để giữ giống và làm cho chúng nhiều lên nhanh chóng?
Hãy mạnh dạn lên, xé chúng ra thành từng đơn vị riêng lẻ, chỉ cần 3 đốt tính từ mắt ngủ sát gốc còn lành lặn, chúng sẽ cho bạn 1 cây con.
Đối với hoàng thảo, tách chiết là một quá trình cần thiết để duy trì, nếu không tách thì sau nhiều năm cây sẽ suy dần.
Quan sát cây con to hơn cây mẹ thì chưa nghĩ đến chuyện tách chiết, nhưng nếu cây con yếu hơn, rễ già đã bám phủ kín giá thể thì nên tách. Và bí quyết để hoàng thảo ra rễ nhanh là “cắt rễ” – kích thích cho rễ mới mọc nhiều. Điều này áp dụng cho cả những cây mới khai thác về, nếu để nguyên rễ già cũ sẽ kìm hãm nhiều sự ra rễ của cây con.
Đối với cách này cần chuẩn bị kỹ càng trước khi thực hiện. Quan sát rễ cây xem còn rễ nào sống không? (màu trắng, còn đầu rễ xanh càng tốt), nếu không thì nắn thử xem còn cứng không, nếu tóp rồi thì cắt bỏ, cắt thẳng tay sát gốc, nhưng nên cắt chừa lại 1cm để cây dễ đứng trong môi trường mới.
Môi trường gồm những vật liệu giữ ẩm tốt như xơ dừa, rêu nước, dớn vụn… tôi hay dùng xơ dừa đã qua xử lý.
Trước hết: chọn chậu nhựa (loại trồng cattlyea) chậu cao. Đổ xơ dừa lấp khoảng 1/3 đến 1/2 chậu, ngâm trong nước có pha B1 hoặc atonic trong 1-2 giờ.
Xé lẻ cây thành từng đơn vị, vệ sinh sạch sẽ, cắt rễ cho gọn gàng rồi cho cây vào chậu, lưu ý là không vùi gốc vào giá thể. Căng dây quấn quanh thân già với quang treo sao cho mỗi lần tưới gốc không bị lay động.
Tưới phun sương giữ cho giá thể luôn ẩm, nên kiên nhẫn, khoảng hơn 1 tháng, bạn sẽ có ít nhất mỗi gốc 1 cây non khoẻ mạnh.
Tôi đã áp dụng thành công cách này cho nhiều loại, đặc biệt là các giống khó trồng như trinh bạch, nhất điểm hồng… còn những loại dễ trồng như giả hạc, long tu, ý thảo… đảm bảo lên 100%
Đây là kết quả của cách thứ 3, cách này thì hơi cầu kỳ nhưng cây con khoẻ mạnh lớn nhanh hơn kiểu tách ceiky
Nhân ceiky thì chú ý đến cây phôi, tức là đoạn thân mẹ. Nếu thân khoẻ mạnh, là thế hệ cây chuẩn bị cho hoa thì tỷ lệ đạt gần như 100% các mắt đều có cây con. Nếu thế hệ phôi giâm già hơn thì càng gần ngọn tỷ lệ nảy con càng cao, nhưng gặp một khó khăn là những mắt này thường là đã cho hoa nên buộc lòng ta phải chọn những đoạn thân càng gần ngọn càng tốt.
Còn kỹ thuật ươm ceiky thì các bác chú ý một vài vấn đề cơ bản:
– Độ ẩm cao, ổn định
– Ánh sáng thấp
– Nên dùng thêm các hoạt chất kích thích nảy mầm – tôi hay dùng Atonik
– Không nên đụng chạm nhiều đến phôi khi đang trong quá trình ươm
Do phôi luôn trong môi trường ẩm nên dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến bị thối, hỏng nên chú ý các bước vệ sinh và cách ly các vết cắt, dùng sơn móng tay hay gì cũng được nhưng nên đợi vết cắt khô rồi mới bôi thuốc vào.
A ơi e muốn mua 3kg ngọc điểm loại to ,1kg chồn ,1kg hải yến . Còn loại lan parishii cấy mô thái lan bán thế nào đấy a