Từ thất nghiệp, đi xin… phân lợn và thành ông chủ vườn lan tiền tỉ

Nhà máy phá sản. Giám đốc đi tù. Bản thân thất nghiệp. Những tưởng ngõ cụt đã cận kề lại mở ra cho anh một con đường mới: sưu tầm những loại lan đón khách, tiễn khách cổ truyền của đất Bắc xưa.

Nhà có tường bao, cổng xây và bể nước

Vốn công tác trong nhà máy dệt khi Cty phá sản, giám đốc đi tù, bản thân thất nghiệp, anh Nguyễn Tuấn Phương (phường Trần Tế Xương, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) chuyển sang hành nghề… xin phân lợn.

Sáng sáng anh lấy những thùng thuốc nhuộm cũ đi khắp các hộ gia đình chăn nuôi trong vùng xin đặt, chiều lại làm một vòng thu phân về. Chất thải chăn nuôi ấy được đem ủ để trồng những loại hoa truyền thống như cúc, thược dược, hải đường…

Khu vườn chỉ hơn 100m2 nhưng có giá tiền tỉ

 

Một dịp có ông khách ăn vận rất lịch sự đến nhà anh hỏi mua hoa với giá rất hời nhưng phải là các giống lan truyền thống xưa của thành Nam. Nam Định từng là đất chơi lan có tiếng ở Bắc Kỳ. Thời thế thay đổi, chín năm ly loạn kháng chiến chống Pháp rồi đấu tố loại trừ trí, phú, địa, hào rồi chiến tranh thống nhất đất nước, nhân dân đói rách triền miên, nghề chơi lan vương giả bị lụi tàn.

Từ tấm bé đến giờ anh Phương có biết mồm ngang, mũi dọc cây địa lan nó như thế nào đâu? “Đi hỏi già, về hỏi trẻ”, người xưa đã dạy, cấm có sai. Mấy bậc lão niên trong nghề mách nước cho anh cứ tìm đến những nhà có tường bao, có cổng xây, có bể nước mưa họa chăng còn sót lại một vài chậu địa lan.

Những chậu lan đẹp nhất của anh Phương

 

Đó là thập niên chín mươi của thế kỷ trước. Tiếng là thành phố nhưng Nam Định còn nghèo, lắm nhà còn phải lợp mái giấy dầu, tường xây không trát nên có cổng, có tường bao, có bể nước đã được xếp vào hạng phong lưu.

Những lời chỉ dẫn tưởng như mơ hồ đó dẫn Phong đến nhà cụ Thát – một lão thành trong ngành công an; cụ Vị, nguyên Phó Chủ tịch thành phố; cụ Thịnh vốn nức tiếng là giàu. Quả thực trong tay mỗi người này đều có vài chậu lan cổ – giống lan rừng Việt Nam đã được thuần hóa qua cả ngàn năm.

Kinh tế khó khăn nhưng thú chơi vẫn không bớt đi sự cầu kỳ. Người ta trồng lan bằng một loại bùn đặc biệt chỉ tìm thấy ở những vùng đất chua, sâu bên dưới lớp bùn hoa. Bùn mang về được phơi vài nắng cho khô nỏ, băm thành mảnh, viên to xếp dưới đáy, viên nhỏ xếp bên trên, rễ lan xếp xen vào giữa chậu. Người ta còn ngâm bùn với bột xương cá, tro bếp trong bể chừng một năm rồi phơi khô, nghiền nhỏ gọi là “mì chính”.

Rắc “mì chính” trên mặt chậu lan sẽ có một lớp rêu lên rất mịn, đẹp khi thời tiết sang xuân. Thời gian đầu, lan được tưới dưỡng bằng nước mưa rồi mới tưới nước màu – loại phân đặc chế ngâm từ hỗn hợp đậu tương, ốc nhồi, bì lợn trong một năm cho mùi thật hả.

 Địa lan vốn là loài rất mẫn cảm. Để tránh nóng cho cây vào mùa hè, người chơi đặt cả chậu lan vào trong thau nước nhưng không đặt trực tiếp mà cách một viên gạch để cho hơi nước xông lên, luồn lách vào từng khe, từng kẽ rễ. Hễ có mưa hay gió phải nhanh chóng bê từng chậu lan vào nhà, khẩn cấp còn hơn cả chạy thóc lúc trời nổi giông.

Thời chống Mỹ, lan từng cùng người chen vai, thích cánh trong những căn hầm chữ A chật chội… Khi cây bị bệnh, phải giã nhỏ tỏi hòa với nước lau từng cái lá. Khi cây có rệp phải bôi bồ hóng hay thậm chí dùng ruột bút bi cắt vát gẩy từng con. Lực gẩy phải thật nhẹ, thật đều tránh xước cây, đau lá.

Năn nỉ, ỉ ôi một chặp, cuối cùng anh Phong cũng thuyết phục được cụ Thịnh gật đầu chịu bán cho mình chậu hoàng vũ ba thân với giá 1 triệu đồng, tương đương 3 chỉ vàng hồi ấy.

Sau hai năm chăm sóc, chậu lan ấy được người ta đến đón đi với giá 5 triệu đồng, bằng cả một cây vàng. Từ đó hoàng vũ, hoàng thanh, hoàng hội điểm, đại hòa, mặc, thanh ngọc… những giống địa lan cổ cứ như duyên số lần lượt tìm đến vườn nhà, đợi tay Phương chăm sóc.

Lan đa tình và lan tiền tỉ

Người xưa bảo, lan là giống đa tình, dùng nước rửa mặt của thiếu nữ vừa độ trăng tròn mà tưới sắc lá mới tươi, sắc hoa mới thắm. Mổ xẻ theo con dao cùn của khoa học mà nói thì nước rửa mặt cũng có tí thành phần dinh dưỡng bởi nó gồm chất nhờn và tế bào da chết. Tưới ít, tưới đều, nước rửa mặt dưỡng lan rất an toàn.

Anh Nguyễn Tất Thanh, hàng xóm của anh Phương, tin vào điều ấy và nghĩ nước rửa mặt đã tốt chắc nước tắm của người còn tốt hơn. Vậy là không chỉ bản thân mình tắm chậu anh còn bắt cả hai đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn tắm theo rồi chắt lấy nước ghét đầu dành để tưới lan. Mới tưới cây có tốt thật, lá mỡ màng ra trông thấy nhưng sau đó lụi hết vì… bội thực.

Chính con cụ Thịnh, một người chơi có tiếng cũng sốt ruột vì tốc độ lớn của chậu lan nơi góc vườn bèn lén bố vùi một cỗ lòng vịt xuống. Chẳng bao lâu sắc lá đỏ đọc, thân cây lả đi khiến cho anh phải hoảng hốt lên mà thú thực với bố. Chậu lan sau đó được cấp cứu bằng cách đổ tất cả đất đi, xén từng cái rễ thối, rửa từng nhánh rễ lành, bồi đất mới, tưới nước mưa.

Lan rất nhạy cảm

 

Chơi lan không thể sốt ruột là vì thế! Trước các cụ thường chỉ dùng đất chay, tức đất không được lẫn một vỏ trấu, tí phân nào để trồng lan. Anh Phương trở thành người đầu tiên ở Nam Định phá đi cái lệ “đất chay” đó với chiêu luyện đất thuộc vào hàng độc: Trộn đất cùng với phân ủ mục ngâm trong bể một năm rồi phơi thật kỹ cho sát khuẩn, tiệt trùng. Lan trồng trên loại đất này phát triển rất nhanh so với phương pháp trường chay truyền thống, sắc hoa rất đẹp…

“Cửu nguyệt phân lan” thường vào độ tháng chín, khi khí trời mát người ta mới tách lan, phân lan ra chậu mới. Tốc độ đẻ của mỗi loài lan một khác nhau. Mặc lan, thanh lan sinh năm một còn hoàng vũ sinh hai, cây nhỏ chưa lên bằng gang tay mầm non đã nhú ra dưới đất.

Chính vì tốc độ rất chậm ấy mà vườn địa lan có trên 100 chậu ở đất Nam Định chỉ đếm trên đầu ngón tay trong đó anh Phương trở thành người hàng đầu với 300 chậu, chậu rẻ nhất cũng 5 triệu còn không cứ phải 20, 30, 40, 50 triệu. Toàn bộ vườn lan mấy tỉ đồng chỉ chiếm vỏn vẹn một khoảng sân vườn rộng hơn 100m2 nem nép ở ven nhà.

Anh Phương bảo tôi rằng hương địa lan là thứ như mơ như thực vì chúng không tỏa ra liên tục mà tích tụ đến ngưỡng mới chịu bay. Dí mũi vào nhiều khi chẳng thấy mùi nhưng khách vào nhà, cái phòng kín bỗng xao động bởi những luồng không khí, dao động mỏng manh đó giúp cho hương lan bay đến. Lan chào khách là thế.

Ngồi một hồi lâu, không khí lặng đi, hương hoa không tỏa nữa nhưng hễ khách bước chân ra khỏi phòng, không khí lại lay động, mùi thơm lại vấn víu cả khứu giác lẫn vị giác để tiễn. “Hương lan người ngọc hay hờ hững. Chợt đến chợt đi đến ngỡ ngàng”.

Người ta thường chơi ba loại lan là đại mặc, thanh ngọc và hoàng vũ. Mặc lan màu tím, lá hình búp khỏe mạnh như những lính cấm vệ tuốt gươm trần, uy nghiêm lẫm liệt, thường để ngoài thềm. Thanh ngọc là viên ngọc quý màu xanh, lá như lông mày con gái với môi hoa xanh trong suốt thường để trên đôn, trên sập.

Còn hoàng vũ – nữ hoàng địa lan khi nở bao giờ cũng hướng về phía ánh sáng, mềm mại như đang múa với cánh hoa thon, cong ngọc ngà thì để ở chỗ trang trọng nhất trong nhà.

Giới thiệu nhatkhoa 2102 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi