Củ Chi là huyện phát triển nông nghiệp đô thị trọng điểm của TP.HCM với nhiều mô hình trang trại sản xuất hoa kiểng công nghệ cao (CNC) có mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao ngất ngưởng.
TƯỚI, PHUN CHỈ CẦN… NHẤN NÚT
Tham quan vườn lan công nghệ cao
Chúng tôi đến thăm trang trại hoa lan (có tên Vườn Lan Mỹ Vân) của anh Nguyễn Mạnh Khải (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi). Được tận mắt chứng kiến một cơ ngơi trồng hoa lan rộng 20.000 m2 này khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở TP.HCM lại có một trang trại hoa lan kiểu mẫu đẹp và hiện đại đến như vậy. Chỉ cần nhìn vào cách thiết kế nhà vườn, hệ thống nước tưới, phun tự động hoàn toàn kỹ thuật số và các thiết bị được đầu tư cho thấy khả năng tài chính và nhất là cách đầu tư rất bài bản của anh.
Gặp chúng tôi, anh Khải hào hứng khoe: “Ngay trong dịp lễ Noel và Tết năm nay mình đã có thể “rinh” hoa ra chợ bán được rồi. Hy vọng sẽ có bước khởi đầu thuận lợi tốt đẹp như cách mình đầu tư trồng lan vậy”. Theo anh Khải, với số tiền đã bỏ vào đây bước đầu hơn 7 tỷ đồng để thiết kế và trồng 300.000 gốc lan Dendrobium và 50.000 gốc lan Mokara nhập khẩu từ Thái Lan. Tổng chi phí đầu tư cho cả 20.000 m2 này cho đến nay vào khoảng 12,6 tỷ đồng.
Để có được khu vườn lan kiểu mẫu đẹp… như mơ, anh Khải đã phải có cả một quá trình “du canh, du cư” nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, khi về nước anh bắt đầu tiến hành thử nghiệm trồng các loại giống lan tại một khu vườn nhỏ khác. “Chính từ những thành công bước đầu này càng tạo cho mình có thêm động lực và niềm tin để quyết tâm đầu tư bài bản cho “nghiệp lan” như hiện nay!”, anh Khải tâm sự.
Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ khu vườn lan, anh Phạm Lê Anh, quản lý vườn lan Mỹ Vân cho biết, thực tế khối lượng công việc hàng ngày phải làm ở khu vườn lan này rất nhiều nếu chỉ bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, đến nay khi toàn bộ khu vườn đã đầu tư lắp đặt hệ thống kỹ thuật số tự động hóa khiến tất cả các khâu vận hành cho cả vườn hoạt động giờ chỉ cần… nhấn nút là “ôkê” hết!
Quan sát thực tế các hệ thống tưới, phun tự động bằng kỹ thuật số đã được ông chủ vườn lan thiết kế cài đặt “automatic”; thậm chí việc phun, tưới cho cả khu vườn vào giờ nào, khối lượng bao nhiêu… tất tần tật cũng được cài đặt hẹn giờ tự động hoàn toàn. Anh Khải cười vui bảo: Thay vì ngày nào mình cũng phải thức dậy sớm, huy động anh em nhân công tưới vườn, mà cũng phải mất cả buổi mới xong, nhưng nay cứ việc ngủ ngon, khi mình thức dậy thì cả khu vườn cũng đã được tưới xong.
Không chỉ hệ thống phun, tưới tự động lắp đặt bằng van điện từ mà với các hệ thống quạt làm mát, còi báo động, đèn điện chiếu sáng cũng được lập trình bằng kỹ thuật số hết. Nhờ vậy, vừa đỡ hao tốn nguồn nhân công, vừa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, giúp cho cây lan phát triển tốt, tránh được nhiều loại bệnh có thể lây nhiễm cho cây trồng khi kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo.
Theo anh Khải, nếu không có khâu tự động hóa thì với vườn lan này anh phải cần ít nhất khoảng trên 10 nhân công làm cật lực mới có thể đáp ứng được khối lượng công việc. Còn hiện nay trong vườn lan anh chỉ cần 4 nhân công (một kỹ thuật quản lý vận hành hoạt động và hai người phụ việc và một cấp dưỡng).
TRỒNG LAN QUY TRÌNH KHÉP KÍN
Theo anh Khải, việc đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là cần phải tiến hành xử lý nước sạch và giữ chất lượng nước luôn ổn định để tránh các tạp chất gây hại cho cây trồng. Do nguồn nước giếng ngầm ở đây có độ pH cao nên trước khi sử dụng phải cho xử lý phèn qua các hệ thống bể lọc, lắng…
Điểm hạn chế lớn nhất của các vườn lan hiện nay là hay để cỏ “tấn công” lan, khiến cây hoa sẽ bị ảnh hưởng cả nguồn dinh dưỡng và rất hay bị nhiễm bệnh do các loại côn trùng phát triển từ cỏ. Do vậy, để giải quyết nhược điểm này, ngay từ đầu anh Khải đã đầu tư màng phủ nông nghiệp vừa giúp vệ sinh vườn dễ dàng lại giữ được độ ẩm cho vườn lan.
Anh Khải giải thích, khi nguồn nước tưới, phun dư thừa chảy xuống đọng trong các rãnh màng phủ, khi nhiệt độ trong vườn tăng cao, lượng nước này sẽ bốc hơi làm mát cho vườn và giữ độ ẩm cần thiết cho lan phát triển. Thay vì đầu tư bằng bê tông thì sẽ tốn kém chi phí rất nhiều so với màng phủ nông nghiệp, đây cũng chính là một trong những giải pháp hiệu quả nhất mà anh đang áp dụng vào vườn lan.
Qua cách tiếp chuyện cho thấy anh Khải đã có sự nghiên cứu khá kỹ về nghề này và cũng có thể nói, anh đã đặt cược vào loại cây trồng này. Bởi anh cho biết, khi tìm hiểu thị trường mới thấy, nhu cầu hoa, nhất là lan cắt cành của TP.HCM còn rất nhiều, lượng nhập khẩu lan cắt cành từ Thái Lan vào TP mỗi năm rất lớn. |
Còn với mỗi hệ thống bón phân, phun thuốc, đều có máy riêng và sử dụng ống phun bằng kẽm, cứ 3 ngày bón 2 lần phân và phun 1 lần thuốc. Đối với khâu này cũng có hệ thống máy riêng để đảm bảo đúng kỹ thuật. Còn thông thường mỗi ngày hệ thống tưới, phun nước cũng tự động sẽ bật hai lần vào sáng sớm và chiều để luôn giữ độ ẩm ổn định cho vườn lan. Toàn bộ vườn lan được dựng khung sắt, căng màng lưới, nhập từ Thái Lan về, đảm bảo giữ ánh sáng theo từng chế độ cho lan: Mokara 60% ánh sáng; Dendrobium 50% ánh sáng.
Theo anh Khải, trồng lan công nghệ cao cần phải đầu tư đúng mức mới cho ra sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã tốt. Dự kiến, sản phẩm hoa lan chất lượng cao của vườn lan Mỹ Vân sẽ “ra lò” phục vụ người tiêu dùng ngay trong dịp lễ Noel và Tết năm nay.
Trao đổi với PV NNVN, anh Khải cho biết, đến nay riêng Mokara ở Việt Nam trồng kỹ thuật tốt hơn cả bên Thái Lan. Tuy nhiên, nói về khâu giống thì Việt Nam còn có nhiều hạn chế hơn các nước nên hiện vẫn phải nhập cây giống từ Thái Lan về trồng. Do vậy, việc nghiên cứu và nhân giống cũng như tạo giống hoa của riêng Việt Nam và trang trại đang là mục tiêu trong thời gian tới hướng đến đối với vườn lan Mỹ Vân; đồng thời đây cũng là dự tính của anh trong một thời gian không xa sẽ thực hiện được mô hình vườn lan khép kín từ khâu giống đến khâu ra thị trường.
MINH SÁNG- ĐỨC CƯỜNG
Nguồn website báo Nông nghiệp Việt Nam
CHO MÌNH HỎI LÀM SAO PHÂN BIỆT LAN NINH XUÂN THÁI VÀ LAN NINH XUÂN ĐÀI LOAN?