Tổng quan về lan Vanda

Lan Vanda _blue
Lan Vanda _blue

 Tổng quan về lan Vanda

Lan Vanda là một loại phong lan có nhiều màu sắc sặc sỡ, xuất xứ từ vùng Châu Á Thái Bình Dương. Lan Vanda được chia thành 3 loại: loại lá dẹp (strap-shaped leaves), loại lá tròn (cylindrical or terete leaves), và loại lá nửa tròn nửa dẹp (semi-terete leaves). Lan Vanda rất đẹp, hình dáng vừa tròn lại vừa dày nên được rất nhiều người ưa thích trồng.
Lan Vanda _blue
Lan Vanda _blue
Hoa Lan Vanda thường tươi lâu từ 4 đến 8 tuần, tuỳ theo khí hậu và giống. Có vài loại Lan Vanda tỏa mùi thơm như Vanda amesiana, V. denisonianum, V. cristata và V. dearei. Có loại có vân như Vanda coerulea hoặc đốm như V. tricolor hay V. sanderiana. Lan Vanda có thể ra hoa 2 hoặc 3 lần trong một năm nếu được chăm bón đủ điều kiện.Trồng Lan Vanda không khó, nếu ta trồng đúng cách và tạo đủ điều kiện thích hợp cho cây phát triển thì cây sẽ sống lâu và ra hoa thường xuyên.Độ ẩm: Cây Lan Vanda thích ở độ ẩm ban ngày vào khoảng 60% đến 70%, và ban đêm là khoảng 90% đến 95% thì cây sẽ phát triển nhanh. Nếu thiếu độ ẩm cây sẽ mau khô ở rễ và dẫn đến héo lá. Cây sẽ khó ra hoa nếu thiếu độ ẩm hoặc thiếu nước.
Tưới nước:
 Cây Lan Vanda rất thích nước. Vào mùa hè thì cây phát triển rất nhanh nên cần nhiều nước. Ta có thể tưới nước mỗi ngày và 2 lần một ngày mà không sợ bị thối rễ nếu cây được trồng trong rổ không có nguyên liệu. Vào mùa đông bớt tưới nước lại, chỉ cần 2 lần trong 1 tuần là đủ. Khi thấy lá nhăn và mềm tức là cây đang bị thiếu nước trầm trọng, chúng ta cần tưới nhiều hơn. Thiếu nước cũng là nguyên nhân khiến Lan Vanda khó có thể ra hoa.

Bón phân: Vào mùa Đông bớt bón phân hoặc chỉ cần tưới nước là đủ. Vào mùa Xuân thì ta nên bón phân nhiều hơn để kích thích cây phát triển và ra hoa. Khi ra hoa thì tiếp tục bón phân vì Lan Vanda tiêu thụ rất nhiều phân bón để nuôi lá và hoa. Cây Lan Vanda giống như Lan Hoàng Hậu (Cattleya) và Lan Đất (Cymbidium) rất thích phân có nhiều chất nitro vì chịu nhiều ánh sáng. Thường thì ta có thể dùng ½ muỗng café phân bón (20-20-20) hoà tan vào 1 gallon nước để tưới cây. Loại phân này có thể dùng được quanh năm. Khi nào thấy rễ bị cháy tức là quá nhiều phân bón nên dừng lại một thời gian và chỉ tưới nước thôi là đủ. Chúng ta sẽ tưới phân lại khoảng 2 tuần sau đó.


Ánh sáng:
 Cây Lan Vanda thích nhiều ánh sáng hơn loại cây Lan Hoàng Hậu nhưng không sống trực tiếp dưới ánh sáng như ở Nam California, vì sẽ dễ bị cháy lá. Khi thấy lá cây đổi màu vàng tức là nhiều ánh sáng quá. Nếu lá cây xanh đậm tức là thiếu ánh sáng, có thể sẽ không ra hoa được. Chúng ta có thể trồng Lan Vanda ngoài sân và sử dụng lưới 50%-55% để lọc bớt ánh sáng. Loại lá tròn thì cần nhiều ánh sáng hơn loại lá dẹp.

Nhiệt độ: Cây Lan Vanda thích ở nhiệt độ ban đêm từ 50-60°F, ban ngày từ 70-90°F. Ở nhiệt độ cao chúng ta có thể tưới cây thường xuyên hơn như 2 hoặc 3 lần trong 1 ngày. Ở nhiệt độ thấp thì phải cẩn thận khi tưới nước, vì nếu tưới nước nhiều mà lạnh thì cây dễ bị nấm và rụng lá ở dưới gốc đi lên, như hình cây dừa.

Thay chậu: Cây Lan Vanda có thể trồng trong chậu có than và đá, hoặc trồng trong rổ không có vật liệu trồng cây thì không cần phải thay chậu thường xuyên, khoảng 4 đến 5 năm mới cần thay. Còn nếu trồng trong chậu có vỏ dừa hoặc vỏ cây thì nên thay chậu mới 2 năm/lần. Chúng ta có thể dùng vỏ dừa hoặc vỏ cây ngâm với thuốc sát trùng và phân bón từ 2 đến 5 ngày để rửa sạch chất muối ở trong vỏ dừa trước khi trồng. Chúng ta dùng ½ muỗng café thuốc Physan 20 (thuốc sát trùng), 1 muỗng canh vitamin B1 (thuốc kích thích rễ), 1 muỗng canh café phân bón (20-20-20) vào 1 gallon nước để ngâm vật dụng trồng. Sau khi trồng thì 1 đến 2 tuần sau hãy tưới nước trở lại, tuỳ theo khí hậu thời tiết vì phải để cho rễ cây khô và phục hồi trở lại.


Chuyển động và thoáng khí:
 Cây Vanda thuộc loại phong lan vì vậy rất cần thoáng khí và sự rung chuyển để cho cây được tươi tốt hơn. Theo kinh nghiệm của tôi cho thấy thì cây để ngoài vườn có gió nhiều liên tục sẽ mọc tốt hơn là trong nhà kính ít gió.

Đây chỉ là những phương cách căn bản để trồng cây Lan Vanda sao cho thích hợp cho việc sinh tồn và ra hoa. Theo những phương pháp trên, hy vọng rằng các bạn sẽ thành công trong việc trồng loại phong lan này. Để hoàn hảo hơn, chúng ta còn phải học hỏi tuỳ theo thời tiết, khí hậu, nơi trồng và nguồn nước tưới ở mỗi nơi đều khác nhau. Chúng ta cần phải thay đổi sao cho thích hợp khi cây có những dấu hiệu tốt hoặc xấu, và từ đó chúng ta rút ra được kinh nghiệm và cách trồng thích hợp nhất cho chính mình. Đó chính là cách trồng hoa lan tốt nhất. Tôi xin chúc cho các bạn thành công mỹ mãn và cây hoa lan của các bạn sẽ sống lâu và cho hoa đẹp.

Ngô Long
Giới thiệu nhatkhoa 2100 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi