Thú Chơi Lan Giống Xưa
Bài viết này mình thấy hay nên lấy từ báo tuoitrẻ để cho quý cô bác anh chị và các bạn tham khảo
Trong hàng ngàn chậu lan triển lãm tại Festival hoa Đà Lạt cuối năm 2013, chậu hawaigame được đặt ở vị trí khiêm tốn. Dáng cây mảnh, hoa nhỏ và có phần kém nổi bật so với các chậu lan cao lớn, rực rỡ khác, nhưng anh Nguyễn Quốc Thanh tự hào rằng đây là điểm đặc sắc mà các gian trưng bày khác không có.
Khoảng 10 năm trước, dòng lan này từng được dân chơi lan ưa chuộng, nhưng sau đó hết thời vì sự cạnh tranh của nhiều giống lan mới với hoa to, màu rực rỡ hơn. Tuy nhiên, trào lưu chơi các giống lan cũ mà người chơi gọi là lan xưa đang trỗi dậy.
Lan xưa “Việt hóa”
Đầu tháng 3-2014, chúng tôi tìm gặp anh Thanh tại vườn Thăng Long Orchids của anh ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Từng chơi và kinh doanh hoa mười năm nay, anh chỉ mê và sưu tầm lan xưa từ khoảng ba năm trở lại đây. Hiện vườn của anh có 12 loại lan xưa như: ăng-ten, rồng đỏ, an-bin, nhện đen, samurai…
Mời Xem Video Vườn Lan Denro nắng xưa rất đẹp:
Từ khi tình cờ thấy rồi tìm hiểu và mê lan xưa, anh Thanh đã không quản đường sá xa xôi để đi tìm những dòng lan được ưa chuộng một thời. Công việc sưu tầm bao giờ cũng kỳ công, có khi tìm được nhờ cơ duyên. Chỉ vào một cây lan dòng dendrobium vừa đậu bốn trái, anh Thanh giới thiệu: “Đây là cây đắt nhất trong vườn. Hồi tết có người trả giá 7 triệu đồng nhưng tôi không bán”.
Cây lan này còn đặc biệt ở chỗ chính anh Thanh cũng không biết tên của nó là gì. Một lần đến Cần Thơ, anh được bạn bè giới thiệu rồi tìm gặp một người chơi lan. Cây lan xưa này lọt ngay vào “mắt xanh” của anh và cuối cùng anh cũng được người kia chia lại, đem về gây giống.
Người chia lại cho anh là Vũ Thanh Tùng, ở phường Hưng Thịnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Dĩ nhiên anh Tùng cũng không biết hoa này tên gì. Đến bây giờ, anh Tùng và anh Thanh vẫn lân la dò hỏi những người chơi lan từ xưa để biết rõ hơn về loài lan đặc biệt này.
Anh Tùng tự nhận chơi lan theo kiểu “tài tử”, chỉ chơi vì mê chứ không nặng chuyện buôn bán. Một lần tình cờ đi ngang một căn biệt thự cũ, anh tò mò vì vườn của biệt thự này trồng rất nhiều lan mà chỉ duy nhất một loại có hoa màu trắng, cánh sẻ, dáng mảnh rất đẹp. Anh lân la hỏi rồi cuối cùng được chủ nhà chia lại cho vài cây.
Tìm hiểu anh mới biết đó là lan caesar white, từng được ưa chuộng từ trước năm 1975. Chăm sóc một thời gian thì cây trổ bông, anh Tùng đem đi triển lãm thì cây caesar white đoạt liền hai giải vàng tại Cần Thơ và Bến Tre năm 2011. Cũng từ đó, loại lan này trở nên có giá ở khu vực các tỉnh thành Tây Nam bộ.
Anh Tùng và anh Thanh đều có điểm chung trong những lý do tìm đến loài lan xưa: thường ra bông, dễ chăm sóc hơn các loại lan “tân thời”. Hiện hai anh đang gây giống theo kiểu tách nhánh con từ cây mẹ.
Anh Tùng cho biết một số đơn vị của Thái Lan nhận thấy trào lưu chơi lan xưa ở nước ta nên đã nhân giống lại, cho cấy mô đại trà và xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù giống lan ở Việt Nam hiện tại có xuất xứ từ Thái Lan, lan thương nhân Thái Lan xuất sang không đẹp bằng dù cùng dòng.
Như dazang – loại lan vốn được chơi từ khoảng năm 1945 và có nguồn gốc từ Thái Lan, hoa cánh sẻ, màu tím dịu và hiện không còn nhiều ở Việt Nam. Nay thương nhân Thái Lan gầy giống lại và xuất qua nhưng vẫn không được ưa chuộng vì màu sắc và kết cấu hoa không đẹp bằng những chậu hoa được gầy dựng “thủ công” theo cách tách cành ở nước ta.
Điều này thể hiện ngay ở giá bán: nếu như một chậu dazang Thái Lan mới xuất qua bán khoảng 250.000 đồng thì một chậu dazang xưa ở Việt Nam có giá từ 2-3 triệu đồng. Anh Tùng cho rằng có lẽ do cây đã sinh trưởng, phát triển ở Việt Nam lâu nên có những đặc tính khác, có thể nói là đã được “Việt hóa”.
Gặp gỡ những người chơi lan xưa, thỉnh thoảng lại được nghe giới thiệu về một loại lan mà ngay cả người sở hữu và người chơi lâu năm cũng không biết tên của chúng.
Ông Phan Châu Nhuận, chủ vườn lan Thu Ngân ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, được biết đến nhiều với cái tên Dũng “cà phê”. Trước đây ông Nhuận là chủ cơ sở sản xuất trà, cà phê, nhưng lại có sở thích đặc biệt với lan theo kiểu trồng chơi chứ không bán.
Năm 1996, một nhóm thương nhân từ Đài Loan sang khảo sát nhu cầu lan của thị trường Việt Nam và đem theo vài mẫu cây. Khi ấy, ông Nhuận đã làm một việc mà đến bây giờ nhiều người chơi lan vẫn còn nhắc lại như một sự nể phục niềm đam mê của ông: ông quyết định bán sạch đàn heo 20 con rồi bù thêm tiền cho đủ quy đổi thành 800 đôla Mỹ (thời điểm năm 1996) để mua chậu lan chialin shinshu, dòng cattleya, có năm cành và hai hoa.
Đến năm 2005, ông Nhuận bỏ nghề sản xuất trà, cà phê và chuyển hẳn sang nghề trồng và kinh doanh hoa. Hiện trong vườn của ông có khoảng 10.000 chậu, chủ yếu là lan xưa. Ông cho biết đang sở hữu 17 loại lan xưa quý và hiếm.
Dẫn tôi đến trước một chậu lan dòng dendrobium thân cao, hoa tím, cánh sẻ, ông Nhuận bảo “đây là lan Dương Văn Minh”. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Nhuận giải thích: “Ông Dương Văn Minh là tổng thống cuối cùng của Việt Nam cộng hòa. Trước đây, chỉ ông này mới có loại lan này. Sau năm 1975 thì giống lan này được dân chơi lan nhân ra, tôi chơi lan từ sớm nên được anh em chia cho đem về trồng đến bây giờ. Mọi người đặt tên Dương Văn Minh là vì vậy, còn tên khoa học của nó là caesar king”.
Chỉ tiếp một chậu lan khác, ông bảo “đây là cây Tám Lý”. Không đợi chúng tôi hỏi, ông diễn giải: “Cây này trước của cha Nghị (người Công giáo), hồi đó chỉ có ông này có. Sau này cha Nghị để lại cho ông Tám Lý nhưng ông Tám Lý chăm sóc không tốt nên cây ngày một héo hắt, tôi đem về trồng và giữ đến bây giờ”.
Nhiều loại lan xưa được gắn với những tên người, tên địa điểm như vậy bởi người chơi không tìm ra được tên khoa học của chúng, có thể kể đến như king Hóc Môn, king Mười Bích, king Củ Chi…
Chia sẻ đam mê hoa lan
Một lần làm giám khảo cuộc thi hoa lan năm 2009, ông Nhuận vô cùng thích thú với cây lan đoạt giải nhất. Ban giám khảo không truy được phả hệ của cây lan này nên nó càng đặc biệt hơn. Vì thích quá nên ông Nhuận đã bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua cây lan có hoa và bốn lá. Để nói về độ đắt tiền của cây lan, nhiều người nói vui là mỗi chiếc lá của nó có giá đến 5 triệu đồng.
Thời điểm đó, ông Barack Obama vừa trúng cử tổng thống Mỹ nên ông Nhuận đã đặt tên cho nó là lan Obama giờ được mọi người biết đến.
Khi biết giá của loại “lan tổng thống” này, chúng tôi không giấu nổi sự kinh ngạc trước cả ngàn chậu lan Obama mà ông Nhuận đang chăm sóc, bởi lẽ nếu cứ bán theo giá mà ông Nhuận đã mua thì chúng tôi đang đứng trước một triệu phú đôla.
Cầm một chậu lan Obama nhỏ có tám lá, ông Nhuận cho biết giá 250.000 đồng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Nhuận cười: “Trước đây nó đắt là vì hiếm, nhưng về tay tôi, tôi đã gầy giống ra chừng này thì tất nhiên phải hạ nhiệt đi chứ”.
Cũng với suy nghĩ “hạ nhiệt” lan xưa mà ông Nhuận sử dụng phương pháp cấy mô để nhân giống cây. Với phương pháp này, mỗi lần nhân giống sẽ cho ra hàng chục ngàn cây giống, và đương nhiên giá thành của lan sẽ giảm, người chơi lan dễ có cơ hội sở hữu hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần như vậy thì lan xưa sẽ không còn đặc biệt nữa. Một số nhà vườn và ngay cả ông Nhuận cũng hạn chế việc nhân giống vài loại lan xưa quý hiếm để giữ giá trị của cây.
Ông Phạm Anh Dũng, hội viên Hội Sinh vật cảnh Củ Chi (bố vợ của anh Nguyễn Quốc Thanh), lại cho rằng nhân giống bằng phương pháp cấy mô sẽ cho ra cây con có phẩm chất và kết cấu hoa không bằng cây mẹ, muốn cây con có tối ưu như cây mẹ thì phải sử dụng phương pháp tách nhánh. Phương pháp này rất chậm vì phải đợi nhánh mới ra rồi mới tách, nhưng bù lại hoa cây mẹ như thế nào thì hoa cây con cũng sẽ y chang.
Để giới thiệu và quảng bá lan xưa, ông Dũng đã cùng anh Thanh đem lan đi triển lãm ở nhiều nơi, từ Đà Lạt đến Đồng Tháp, Cần Thơ, Nghệ An, Hà Nội… Kinh phí cho các chuyến đi hầu hết là tự túc. Như đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Dũng và anh Thanh thuê hẳn một chiếc xe tải chở lan từ TP.HCM ra Hà Nội triển lãm và bán hoa trong suốt hơn chục ngày.
Dù đã bán sạch cả một xe tải hoa nhưng tính toán chi phí vẫn lỗ 28 triệu đồng. Tuy lỗ nhưng ông Dũng rất vui. “Một số người mê lan, mới chơi lan nên họ không biết. Khi được giới thiệu về lan xưa, người ta mới bắt đầu tò mò và tìm thấy sự thú vị trong các dòng lan này. Mình đi triển lãm là để người ta biết và yêu lan xưa hơn” – ông Dũng nói.
VŨ ĐÌNH KHÁNH
Gửi phản hồi