Nếu bạn đọc được bài viết nào đó viết về thành công của vườn lan hồ điệp thì khi quan sát nhớ chú ý cách họ thiết kế vườn. Nếu bạn có khả năng tài chính thì làm đúng theo chuẩn nhà kính của Đài Loan hoặc Hà Lan thì quá tốt, tuy nhiên bạn cần tính tới bài toán kinh tế là sau bao nhiêu mùa thì thu hồi vốn và bao nhiêu lâu thì có lời, trong thời gian đó bạn sẽ “cầm cự” ra sao 🙂.
Còn nếu bạn có ít tiền thì thiết kế vườn ra sao để tiết kiệm mà vẫn đảm bảo điều kiện tối thiểu để lan hồ điệp có thể sinh trưởng tốt. Hy vọng những thông tin sau giúp bạn phần nào thiết kế vườn trồng lan hồ điệp vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo an toàn cho lan hồ điệp phát triển.
Nhà kính hiện đại có thể trồng mọi loại lan hoặc rau xanh
Sau đây mình sẽ liệt kê ra Những sai lầm thường gặp khi thiết kế vườn lan hồ điệp
Sai lầm 1 : không thoáng khí, nhà kính không có nghĩa là kín gió, lan hồ điệp cần thông thoáng, tuy cần ẩm nhưng quá ẩm và kín gió sẽ là mội trường cho mầm bệnh sinh sôi. Có một vườn lan mình từng tham quan làm vườn theo kiểu nhà kính với lớp nilon dầy phủ kín cả 4 mặt, hoàn toàn cách biệt vườn so với môi trường xung quanh.
Ở trong có quạt máy được hoạt động liên tục. Tuy đáp ứng được độ ẩm và có phần “thoáng khí” với quạt nhưng hậu quả là lan chết do bệnh hàng loạt, chủ nhân dùng đủ mọi loại thuốc, thậm chí hạn chế người ngoài vào vườn nhưng vẫn không cứu vẫn được. Vậy vấn đề chính là gì?
Khái niệm thoáng khí đã bị hiểu sai, thoáng khí có nghĩa là liên thông với môi trường xung quanh, có gió lưu chuyển giúp cân bằng không khí, giúp giảm mầm bệnh và không tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi. Chỉ vì hiểu sai chổ này đã khiến cho chủ nhân khu vườn phải trả giá khá cao với hàng tỉ đồng (theo lời chủ nhân).
Sai lầm 2 : che nắng không hoàn toàn, để nắng chiếu thằng vào cây, đặc biệt là nắng chiều. Lan hồ điệp rất kị nắng trực tiếp, chỉ cần vài ngày nắng chiếu trực tiếp vào lá thì cây con sẽ nhanh chóng nhũng lá, nhìn rất giống bị bệnh nhưng thật ra do bỏng nắng, khi bị thì 99% cây sẽ chết. Nếu là lan trưởng thành thì cũng mất rất nhiều thơi gian để hồi phục, mà cây lại bị xấu.
Sai lầm 3 : vườn quá nóng, nếu nắng trực tiếp chiếu xuống mái và xung quanh không có cây thì nhiệt độ buổi trưa (ở miền Nam) vào tháng nóng quả thật kinh khủng, nếu không có cách khắc phục thì tình trạng thối nhũng sẽ xuất hiện, và đây là “căn bệnh” sát thủ hàng loạt với lan hồ điệp. Giải pháp chấp nhận được là làm mái dưới bóng cây hoặc xung quanh có cây xanh, nếu có thể thì lắp phun sương hoặc phun nước vào nền đất (hoặc mái) để giảm nhiệt độ. Tất nhiên nếu có máy điều hòa nhiệt độ thì quá tốt :d
Sai lầm 4 : vườn quá ẩm, vào mùa mưa (ở miền nam) không khí thường dư ẩm, nếu vẫn giữ thói quen tưới lan hồ điệp như trong mùa khô thì hậu quả là dư ẩm khiến rễ cây lan hồ điệp bị úng và hư. Điều đặc biệt ở cây lan hồ điệp là khi rễ bị hư thì lá bắt đầu nhũng ra như là bị bệnh thối nhũng, nhưng không phải do bệnh mà là do hư rễ và cây bắt đầu chết! Giải pháp tốt là cần cân bằng độ ẩm cho phù hợp, tạo sự thông thoáng tối đa, hạn chế lượng nước tưới, tạo điều kiện cho cây có thời gian khô ráo trong ngày. Nêu tưới nước và phân vào buổi sáng, tuyệt đối không tưới sau 4h chiều, thà thiếu nước 1 ngày còn hơn là tưới làm chết cây (tốc độ từ khỏe sang chết của lan hồ điệp là nhanh cực kì, chỉ trong vài ngày).
Gửi phản hồi