Những cây lan giá đắt nhất

Trong cuộc triển lãm tranh và hoa lan tại chuà Bảo Quang vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thân vừa qua, ông Chánh Biện lý Quận Cam Tony Rackaukas và nhiều người hỏi tôi cây lan nào đắt giá hơn cả. Lúc đó tôi trả lời là cây nữ hài Paphiopedilum vietnamense cuả Việt Nam. Nhưng bình tâm suy nghĩ lại có nhiều cây còn đắt giá hơn nữa, vậy xin trình bầy thêm để những vị yêu lan được biết.

Gần đây giới truyền thông loan tin về tin cây lan đắt giá: Phragmipedium kovachii. Nhiều người thắc mắc không biết bông lan này ra sao, hình dáng như thế nào mà người chủ cây lan có thể bị phạt tới 6 năm tù ở và tới 350.000 mỹ kim phạt vạ?


Vào tháng 6-02, James. M. Kovachi một cư dân tại Goldvein,Virginia sang Peru mua một cây lan ở dọc đường rồi mang lậu về Hoa Kỳ. Sau đó ông ta mang cây đến vườn lan Mary Selby ở Sarasota, Florida để xin nhận dạng là loại lan gì? Ngày 12 tháng 6 năm 2 002 vườn lan này phổ biến một bố cáo về cây lan Phramipedilum kovachii. Cây lan này đặc biệt có một hay hai bông hoa mầu tím hồng rất lớn, chiều ngang tới 15cm hay 6″. hay là khuôn khổ của tờ 20 Mỹ kim. Cũng vì bản công bố này mà nhà chức trách Hoa Kỳ mới biết và đưa ông Kovach và vườn lan ra tòa vì 2 tội: Tội thứ nhất là nhập cảnh cây cỏ không xin phép, tội thứ hai nặng hơn là cây lan này đã được liệt kê trong bảng số 1 gồm những cây lan cấm xuất nhập cảng bởi Công Uớc Quốc Tế Bảo Vệ Các Giống Hiếm Quý, Convention on Internatinal Trade in Endangered Species (CITIES). Vào tháng 3 tới ông sẽ ra tòa và tội trạng cuả ông sẽ được xét xử chưa biết ra sao, nhưng vườn lan Selby đã bị phạt vạ 5000 mỹ kim vì tàng trữ trái phép cây lan này.

Thực ra cây lan này không mang tên Kovachii. Trong nguyệt san Orchids số tháng 7 năm 2002 có đăng bài khảo cứu của nhà thực vật học Eric Christiansen Hoa Kỳ về cây lan này nhưng lại mang tên Phramipedium peruvianum. Theo giáo sư Harold Koopowitz Giám đốc Vườn Thảo mộc trường Đại học UCI, mặc dầu tiến sĩ Eric Christianson đã đưa bản thảo cho Hội Hoa Lan Hoa Kỳ xem xét từ mấy tháng trước và mãi tháng 7 mới ấn hành, nhưng vườn lan Shelby lại công bố kết quả vào tháng 6 và dùng tên ông Kovach đặt tên cho cây này trước khi Hội Hoa Lan Hoa Kỳ chính thức thông báo. Do đó chiếu theo điều lệ đặt tên cho cây cỏ là căn cứ vào ngày công bố, cho nên cây lan này chính thức mang tên Phragmipedilum kovachii, tên người mang lậu và tên Phragmipedium peruvianum chỉ được coi là đồng danh. Ông Kovach sẽ bị phạt tù hay tiền nhưng sẽ lưu danh trong lịch sử hoa lan. Giáo sư Harold Koopowitz cũng đồng ý với chúng tôi là lấy tên một người nhập cảnh cây trái phép đặt cho cây là một đìều bất xứng, không ổn chút nào cả, nhưng điều lệ là như vậy biết làm sao hơn được. Ông cho biết tại Peru chỉ có vài nhà trồng lan được chính phủ cho phép. Trong số này Alfredo Manrique Sipan, sau khi đã nộp đơn một năm mới được phép nuôi 5 cây để lấy hạt rồi gieo giống. Hy vọng vài năm nữa những con cháu của cây này sẽ chính thức có mặt trên thị trường hoa lan tại Hoa Kỳ. Ông cũng cho biết thêm là do kết quả cuộc vơ vét vài năm trước đây, hiện nay tại thị trường Âu châu giá cây lan này khoảng 1000 mỹ kim. Những vị yêu lan hãy ráng kiên nhẫn chờ đợi, ngồi tù vì lan và sạt nghiệp vì lan liệu có xứng đáng hay không?

 

Nói chuyện đến lan của người mà không nói đến lan cuả quê hương mình là một việc thiếu sót không thể tha thứ. Việt Nam chúng ta một nước đứng đầu thế giới 22/60 về số lan nữ hài Pahiopedilum, Trung hoa đứng vào hàng thứ 2 với 17 gíống. Trong 22 giống lan này có 3 cây nguyên giống (species) và đặc hữu (endemic) nghĩa là chỉ mọc ở núi rừng Việt Nam mà thôi.
Cây thứ nhất là cây Paphiopedilum delenatii do một binh sĩ người Pháp tìm thấy cây lan này ở Bắc Việt vào năm 1913. Một giai thoại truyền đi về cây lan này là đầu tiên có 3 cây được chuyển ra ngoại quốc. Một người Nhật mang về trồng, khi cây bị chết đem ướp khô. Cây thứ hai mang về vườn thảo mộc Kew ở Anh quốc cũng bị chết, họ đem ngâm rượu. Cây thứ ba ở Pháp được giao cho ông Delenat người coi vườn cây Fleuriste Municipal de la Ville de Paris của lâu đài Saint Germaine en Laye gần ST Cloud chăm sóc. Năm 1924, khi nhà thực vật học André Guillaumain mô tả những giống lan Việt Nam đã dùng tên ông Delenat đặt tên cho cây vì chỉ có một mình ông Delenat trồng cây này nở hoa. Chúng ta nên biết thêm vào năm 1855 tại Luân Đôn giá một cây Giáng Hương Aerides là 89 Anh kim, khoảng 200 Mỹ kim. Giá bán một cây Vanda vào năm 1885 là 180 Anh Kim, khoảng 450 Mỹ Kim. Vào thời đó, số tiền này có thể mua được một căn nhà khá khang trang. Cũng vì vậy các con buôn đổ sô sang Á Châu tìm kiếm hoa lan, nhưng họ không tìm thấy cây lan delenatii. Mãi cho đến năm 1922 nhà thám hiểm Poilane mới tìm lại được ở Khánh Hòa và mang về Pháp đem đến cho một nhà thưcï vật học, ông này khi thấy cây lan quá mừng rỡ lên cơn đau tim và qua đời. Nhiều người nuôi cây lan này, nhưng không thành công, riêng nhà trồng lan Vacherot & Lecoufle đã cấy được hạt và gieo giống nên đã độc quyền trên thị trường thế giới.

70 năm sau tức là vào năm 1992 bỗng nhiên cây này xuất hiện tại Đài Loan sau đó sang Nhật bản, Âu châu và Hoa kỳ. Sau khi điều tra nhiều nhà vườn đã bị phạt vạ khá nặng vì vi phạm công ước CITIES. Toàn bộ giống nữ hài tại Việt Nam đều nằm trong danh sách những cây bị cấm xuất và nhập cảng. Người ta được biết rằng vào khoảng 1990-1991 cây nữ hài delenatii được một nhà buôn từ Đà lạt gửi sang Đài Loan để làm mẫu. Sau đó khoảng 6 tấn lan đủ loại được xuất cảng làm nhiều chuyến. Nhà buôn này đã mua lại của những người vào rừng tìm kiếm với giá chừng 1 Mỹ kim một kí lô, bán ra với giá khoảng 4-5 mỹ kim (chừng 200 cây) nhưng người mua phải trả từ 30-40 Mỹ kim một cây. Do sự can thiệp của CITIES nhà cầm quyền Việt Nam đã cấm xuất cảng, nhưng những cây này vẫn được ngụy trang dưới dạng thuốc bắc. Vì vậy khu vực núi Hòn Giao, Bì Đúp khoảng 40-50 cây số về phía tây của thành phố Nha Trang đã không còn bóng dáng cây lan hiếm quý này nữa.

Vào năm 1995 giáo sư Leonid Averyanov người Nga đã cùng các giáo sư Nguyễn tiến Hiệp, Dương đức Huyến thám sát vùng biên giới Cao bằng, Trung Hoa đã tìm ra một cây nữ hài mới lạ, hoa mầu vàng rực rỡ. Giáo sư Leonid Averyanov đã dùng tên vợ ông Helene để đatë tên cho cây lan Paphopedilum helenae. Cây lan này được chính thức công bố trên nguyệt san Orchids của Hội Hoa Lan Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1996. Chỉ hai tháng sau khi công bố, các con buôn thuê người đến tận nơi vơ vét và trong vòng vài tuần lễ giống lan này đã tuyệt giống tại khu vực kể trên. Người ta ước tính rằng vào khoảng từ 15000 đến 20000 cây đã dược xuất cảng ra ngoại quốc. Cây lan này vô giá trên thị trường chợ đen.

Tháng 6 năm 1997 một công ty Việt-Nhật tổ chức một cuộc săn lùng rộng lớn bằng cách thuê các thổ dân tìm kiếm các giống lan Nữ hài mọc ởû thượng du miền Bắc. Cây lan Paphiopedilum vietnamense đầu tiên xuất hiện trên thị trường chợ đen trên thế giới vào khoảng giữa năm 1998 sau đó được nhiều vườn lan Nhật bản, Đài Loan, Âu châu và Hoa Kỳ nhập cảng trái phép.

Từ khi khám phá được cây lan mới lạ này, trong vòng một tháng, các chuyên gia về hoa lan đua nhau viết những bản tường trình và đặt cho 3 tên khác nhau:

– Pap. vietnamense do Gruss & Perner ngày 11-1-1999.
– Pap. hilmari do K. Shengas & R. Schetter ngày 19-1-1999.
– Pap mirabile do W. Cavestro & G. Chiron ngày 19-2-1999.

Căn cứ vào ngày tháng công bố của các bản tường trình, người ta dùng tên Pap. vietnamense, đó là một điều hãnh dịên cho xứ sở chúng ta, nhưng thực ra không ai biết là người nào đã tìm ra trước. Địa điểm tìm thấy cây lan Pap vietnamense được giấu kín, nhưng các tác giả kể trên đoán rằng cây này có lẽ mọc trong giẫy núi đá vôi thuộc Cao bằng, Hà giang hay phía bắc tỉnh Tuyên quang.

Giáo sư Leonid V. Averyanov, một chuyên gia lỗi lạc đã sống tại Việt Nam tổng cộng trên 10 năm, người đã viết rất nhiều bản tường trình có giá trị về hoa lan Việt nam cho biết như sau:

Từ tháng hai đến tháng tư năm 2001, ông đã được trợ cấp đặc biệt để về Việt nam tìm kiếm cây nữ hài Pap. vietnamense. Địa điểm tìm kiếm là một khu vực rộng lớn, bao gồm các giẫy núi từ Bắc
cạn, Cao Bằng, Lạng sơn, Thái nguyên, Tuyên quang,Hà giang, Lao cay, Lai châu, Sơn la, Hòa bình và Thanh hoá là những nơi có nhiều lan nữ hài. Kết cuộc ông chỉ tìm thấy giống lan này ở sườn núi đá vôi trong khu vực 60-80 cây số vuông từ Tân Long, Mỏ bà, huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. Nhưng cũng có tin là tại giẫy núi Bí Đúp tại Khánh hòa – Lâm Đồng nơi tìm thấy cây lan Paphiopedilum delenatii cũng có cây Pap. vietnamense.Có lẽ bọn con buôn tung hỏa mù để không ai biết đích xác địa điểm ở đâu. Theo các giới yêu chuộng của lạ cho biết, cây lan này nếu có hoa, giá chợ đen hiện tại khoảng 5000 Mỹ kim một cây.

Có lẽ quý vị đã nhận thấy những sự việc lủng củng giữa luật pháp và thực trạng mua bán những giống cây hiếm quý. Công ước, luật pháp dù sao cũng còn có kẽ hở và nhiều điều khó khăn khi thi hành. Ở Việt Nam luật cấm cứ cấm, cấm xuất cảng lan người ta xuất cảng dưới hình thức dược thảo. Nhân viên hải quan quá ít lại không rành rẽ về cây cỏ, biên giới quá rộng, tệ nạn tham nhũng cho nên nạn buôn lậu khó lòng ngăn chặn. Ngay tại Hoa Kỳ luật lệ phân minh, nhân viên đầy đủ và được huấn luyện kỹ càng mà ông Kovach và vài người Việt chúng ta còn mang cây lậu vào được nữa là. Hơn nữa luật pháp Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự do cuả công dân, cho nên muốn khám nhà để bắt giữ những người vi phạm trước hết nhân viên công lực phải có lệnh khám xét (Search Warant)
do tòa án cấp và muốn có lệnh đó phải trưng bầy bằng cớ (probable cause) hơn nữa Hoa Kỳ cũng không có đủ nhân lực để làm việc này, ngoai trừ những trường hợp tối ư nghiêm trọng. Trường hợp ông Kovach điển hình cho sự việc: Lậy Ông Tôi ở Bụi Này!

Nhưng cây lan đắt giá trong thập niên vừa qua là cây lan nữ hài Paphiopedilum insigne mọc đầy rẫy ở miền Bắc, nhưng đặc biệt cây này lá có sọc. Trong tập san Orchid Digest số 60-1 năm 1996 Bill Thoms có đăng một trang quảng cáo bán cây lan Paphiopedilum insigne var. variegatum “Doris Dukes” gồm hai bông hoa và 16 nhánh với giá 30.000 Mỹ kim và nghe đồn rằng một nguời Nhật đã trả 36.000$ để mua bằng được cây đó. Người viết bài này cũng có cây lan đó nhưng nhỏ hơn và mua được với giá chỉ có 30$ mà thôi.

Do đó giá cây lan tùy theo luật cung cầu, tùy theo trường hợp gặp người muốn bán hay không. Nhiều cây tìm mua cả hai ba năm mà vẫn không thấy dù rằng đã đi không biết bao nhiêu hội hoa lan, đã đọc cả chucï cuốn danh mục do các vườn lan cung cấp hoặc tìm tòi trên Internet. Nay gặp được chẳng lẽ tiếc vài ba chục không mua hay sao? Có một điều chúng ta nên nhớ là những cây lan nguyên giống (Species)
thường cao giá hơn những cây đã lai giống và những do cấy mô (Clone) có giá trị hơn cây gieo bằng hạt (Seedling) vì khi cấy mô thông thường người ta chọn cây tốt, còn gieo bằng hạt thì may nhờ rủi chịu có cây tốt có cây xấu:

Cây lan hiện thời được giới chơi lan Á Đông ở miền Nam California cố mua cho bằng được là những cây lan của Úc châu với đặc điểm cây lớn, hoa nhiều, thơm ngát mà lại dễ trồng: Dendrobium speciosum var. speciosum và cây Dendrobium speciosum var hillii “Don Brown”

Dendrobium speciosum var hillii “Don Brown”

Dendrobium speciosum var. speciosum

Sau khi thấy những cây này trưng bầy trong những kỳ triển lãm tại hội hoa lan tại San Diego, South Coast Plaza và Santa Barbara, một chậu lan thuộc hai loại kể trên trước kia chỉ trên dưới một trăm mà bây giờ dù chỉ có năm bẩy nhánh cũng lên tới bạc ngàn.

 

Placentia 1-2004
BÙI XUÂN ĐÁNG
Giới thiệu nhatkhoa 2102 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi