Hoa lan được tôn vinh là nữ hoàng của loài hoa, bởi hoa lan không chỉ độc đáo về kiểu hình mà còn phong phú về màu sắc và hương thơm. Từ lâu việc tìm kiếm và sưu tầm những giống lan quý hiếm đã trở thành niềm say mê của người chơi hoa.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát hiện những giống lan lạ và quý hiếm trong tự nhiên đã trở nên khó khăn, do việc khai thác quá mức của con người làm cạn kiệt nguồn gen một cách nghiêm trọng.
Ngày nay, để tạo ra một giống mới, đáp ứng nhu cầu trồng trọt và sở thích của con người, biện pháp lai nhân tạo đã được áp dụng một cách phổ biến. Bằng phương pháp lai nhân tạo dựa trên các nguồn gen sẵn có và nhập nội, các giống mới ra đời từ các cây lai cùng loài, khác loài, khác chi và cho đến nay tập đoàn giống lan lai đã lên đến hàng trăm ngàn giống, với muôn vàn màu sắc và kiểu dáng đặc trưng không trùng lặp.
1. Chọc lọc giống bố mẹ
– Để tạo một giống lai mang những tính trạng tốt đạt yêu cầu, trước tiên phải chọn giống bố mẹ có các tính trạng về hình thái thân lá, cấu trúc hoa, màu sắc hoa, hương thơm…phù hợp. Thông thường, những đặc tính ưu việt không tập trung vào một loài nào. Có những loài nổi bật về hình thái thân lá nhưng không đặc sắc về hoa; có loài màu sắc đẹp, mùi hương đặc trưng nhưng không thích hợp cho việc nuôi trồng với mục đích kinh tế như hoa không bền, không cắt cành được…đã đáp ứng phần nào các yêu cầu ngày càng đa dạng về mặt sưu tập, thưởng ngoạn và từng bước tạo những tiền đề cho việc khai thác kinh tế hoa lan cắt cành.
– Tùy theo, mục đích của người tạo giống, trước khi thực hiện phép lai cần cân nhắc chọn giống bố mẹ một cách thích hợp, tuy nhiên một số chỉ tiêu sau không thể bỏ qua khi chọn giống và thụ phấn:
+ Chọn cây bố mẹ khỏe mạnh, có sức sinh trưởng tốt không bị nhiễm sâu bệnh.
+ Phát hoa dài, siêng bông, năng suất cao.
+ Thời gian nở hoa kéo dài.
+ Màu sắc hoa tương phản để tạo ưu thế lai.
+ Một số tính trạng khác lạ cần khai thác (hương thơm, phát sáng, …)
– Nên chọn bố mẹ cùng loài, cùng chi để lai tạo. Các trường hợp bố mẹ khác loài khác chi thường khó tạo quả, hoặc có hình thành quả nhưng quả không có hạt
2. Kỹ thuật thụ phấn
Các loài lan đều thích được thụ tinh với phấn hoa từ một cây khác, nhằm bảo đảm tính đa dạng di truyền. Hầu hết các loài hoa lan đều có thời gian ra hoa đồng pha, khi cây ra hoa, sẽ tiến hành thụ phấn nhân tạo. Nên chọn những hoa còn tươi, hoa mới nở từ 2-4 ngày. Các bước tiến hành như sau:
– Bước 1: Dùng que tăm lấy bỏ hạt phấn trên hoa mẹ, tránh không để hạt phấn rơi vào vòi nhụy, đặc biệt phải thao tác nhẹ nhàng để không làm tổn thương bộ phận truyền giống.
– Bước 2: Lấy một cái tăm mới hay cây nhíp đã khử trùng để lấy phấn hoa bố. Đưa đầu tăm gắp nhẹ nhàng nắp bao phấn hoặc khối phấn ra khỏi hoa bố. Đôi khi khối phấn không dính vào que tăm, trong trường hợp này, có thể chấm đầu tăm vào chất nhầy trong nhụy cái lức đó khối phấn sẽ dễ dàng dính vào đầu tăm. Đặt nhẹ nhàng khối phấn vào đĩa petry hay tờ giấy sạch.
– Bước 3: Đè nhẹ vào khối phấn, đưa đầu tăm vào vòi nhụy cái cho chất keo dính bám vào đầu tăm, sau đó dính vào hạt phấn và nhẹ nhàng đưa hạt phấn vào nhụy cái của hoa mẹ, đẩy càng gần ống dẫn trứng càng tốt. Nên thụ phấn vào buổi sáng hoặc buổi chiều, khi hoa hoàn toàn khô nước.
– Bước 4: Vặt hết hoa và nụ không được thụ phấn trên phát hoa, để cây tập trung chất dinh dưỡng cho quá trình thụ tinh và nuôi quả đậu sau lai.
– Bước 5: Buộc thẻ ghi chú vào hoa vừa thụ phấn. Trên thẻ ghi ngày thụ phấn, phép lai giữa hai giống bố mẹ và người thực hiện. Có thể ghi ký hiệu cặp lai trên thẻ đeo, nhưng tên bố mẹ của cặp lai phải được ghi cẩn thận và rõ ràng vào số theo dõi, kết hợp với việc lưu giữ hình ảnh để sau này làm cơ sở chọn lọc cặp lai có triển vọng.
– Mỗi phép lai thực hiện từ 3-5 quả để chọn lọc và hạn chế rủi ro trong quá trình chờ quả chín hoàn toàn.
3. Chăm sóc quả lan sau lai
– Sau khi thụ phấn, theo dõi trong 24 giờ để xác định xem hoa có thực sự thụ tinh hay không. Nếu không thành công sẽ tiến hành thụ phấn nhắc lại. Khi hoa thụ tinh, cánh hoa sẽ héo dần, cụp xuống, phần bầu noãn sẽ phình to. Dùng phân NPK 10-15-30 phun trên cây để kích thích sự đậu quả và tạo hạt.
– Khi cây có trái đậu, sẽ dùng rất nhiều sức để nuôi trái, đôi khi trái sẽ rụng trong vòng vài tháng, nhưng khi qua khỏi 1 tháng mà trái vẫn còn đậu trên cành là coi như phép lai đã thành công.
4. Thu hoạch và bảo quản quả lai
– Đừng để trái quá già, hoặc vàng khô nứt vỏ, vì hạt lan nhỏ và nhẹ, dễ dàng bay theo gió. Tùy theo giống mà thời gian chín của quả lan khác nhau, trung bình từ 90 – 200 ngày. Hạt lan trong quả lan sẽ trưởng thành trong khoảng từ 3/5 – 4/5 thời gian tính từ khi thụ phấn đến khi chín. Thường xuyên theo dõi quả lai để thu hoạch kịp thời trước khi quả nứt tự nhiên.
– Cho quả vào túi giấy, bên ngoài có ghi chú cẩn thận tên cặp lai hoặc ký hiệu cặp lai, ngày thu quả. Sau đó xử lý vỏ và tiến hành gieo trong điều kiện vô trùng với môi trường Knudson C có bổ sung hormone.
– Nếu chưa cấy hạt lan ngay thì quả lan phải được đóng gói và bảo quản trong tủ lạnh.
Kỹ thuật lai tạo hoa lan, Nguồn: Viện Cây Ăn Quả Miền Nam
Gửi phản hồi