Kinh nghiệm trồng lan Hồ Điệp trong môi trường công nghệ cao ở Bắc Ninh

Lan Hồ Điệp là loại hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, sản phẩm có sức tiêu thụ lớn và bán rất được giá, mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho người trồng hoa. Hiện số lượng hoa sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do vậy, việc phát triển mô hình trồng loại lan này đang mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều địa phương.
vườn lan hồ điệp đỏ
vườn lan hồ điệp đỏ

Lan hồ điệp tím 2

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; trồng cây nào để đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà không cần nhiều đất là nỗi trăn trở của những nông dân như cô Đỗ Thị Mơ tại xã Phú Lâm – Tiên Du. Cô đã mạnh dạn đầu tư trồng lan Hồ điệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và địa phương.
 
Cô Mơ đang chăm sóc hoa lan
Trao đổi với cô Mơ chúng tôi được biết: “Để có được khu nhà trồng lan rộng 1000m2 này, gia đình cô đã đầu tư hết khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên với số lượng lan xuất bán liên tục trong năm và giá bán ổn định khoảng 100.000 đồng/chậu lan, bắt đầu làm từ năm 2006 đến nay gia đình cô đã thu hồi vốn và có lãi.
Đa phần lan Hồ Điệp chỉ ra hoa to và đẹp trong điều kiện khí hậu tối ưu mát mẻ. Với điều kiện các tỉnh phía Bắc nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng thì khi trồng lan cần làm nhà 2 mái để hạn chế ánh sáng mùa hè, giữ được nhiệt độ mùa đông.
Theo kinh nghiệm của cô Mơ: Việc chăm sóc lan hồ điệp phải ngay từ ban đầu, cần tạo môi trường tối ưu cho lan sinh trưởng phát triển tốt và cho chất lượng hoa cao. Nhà trồng lan cần phải được đầu tư hệ thống làm mát, có hệ thống mái che, đảm bảo nhiệt độ trong nhà xung quanh 25 độ C.
Vào mùa hè lưu ý buổi sáng và chiều mở mái che để lan quang hợp, buổi trưa nắng cần che lại để tránh ánh sáng trực xạ làm bỏng lá. Tuy nhiên, vì lan hồ điệp ưa ẩm nên rất rễ bị nấm và lây lan rất nhanh nên cô lưu ý cứ khoảng 3 ngày nên pha thuốc trừ nấm vào trong nước tưới và phun cho cây.
Thời điểm hiện tại, khi mới chỉ có khoảng chục chậu lan Hồ Điệp trong khu trồng rộng 1.000m2 bị nấm xâm hại, cô đã nhanh chóng xử lý trị bệnh cho cây bằng cách cắt bỏ, tiêu hủy bộ phận lan bị bệnh và bôi thuốc để nấm bệnh ít có cơ hội tiếp tục gây hại cho cây. Nhờ đó, các chậu lan của cô Mơ hồi phục, phát triển tốt và cho hoa có chất lượng cao. Theo cô Mơ, do đây là môi trường lan công nghiệp nên nấm và vi khuẩn lây lan từ cây này sang cây khác rất nhanh, vì vậy khi cây bị thối nhũn cần phải cắt bỏ và khắc phục ngay để kịp thời hạn chế thiệt hại.
Bên cạnh, do Hồ điệp là loài đơn thân, không có giả hành nên không dự trữ được nước. Hơn nữa diện tích bốc hơi của bản lá khá lớn và chúng không có mùa nghỉ. Nắm được đặc điểm này nên cô Mơ luôn chú trọng cung cấp cho cây một lượng nước đầy đủ và thường xuyên trong suốt năm. Trong mùa mưa mỗi ngày gia đình cô tưới cho cây từ 1 – 2 lần. Thời gian tưới được cô lựa chọn vào lúc 9 giờ sáng và 3 giờ chiều. Theo cô, tưới như vậy sẽ đảm bảo cây khô ráo khi trời tối vì đọng nước ở nách lá suốt đêm có thể gây ra sự thối rữa, hoặc tạo điều kiện cho nấm gây hại. Vào mùa nắng, cây cần được tưới 1 ngày 3 lần. Tuy nhiên, khi phát hiện cây lan bị nấm gây hại, cô hạn chế và kéo dài thời gian giữa hai lần tưới.
Cô cũng lưu ý, khi phát hiện bệnh thối nhũn bà con không nên tưới nước 2 – 3 ngày vì khi đó sẽ làm cho thuốc trên cây có thể trôi đi, rửa trôi và bệnh không được khắc phục. Lứa cây này đang được cô Mơ cắt chồi và chăm sóc, đến trung tuần 8 cô sẽ đưa vào xử lý ra hoa để có hoa cung cấp cho thị trường Tết trong và ngoài tỉnh.
Do đã đầu tư đầy đủ hệ thống máy móc, thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sang nên gia đình cô tiến hành xử lý ra ngồng hoa ngay tại gia đình mà không cần phải chuyển hoa lên những vùng có khí hậu mát hơn như Mộc Châu. Đây cũng là đợt hoa chính của gia đình cô. Tuy nhiên, để dáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, cô Mơ còn xử lý để lan ra hoa quanh năm. Nhờ đó, lúc nào gia đình cô cũng có hoa bán, tuy vậy, lượng hoa này không nhiều.
Bên cạnh nhà trồng lan cho ra hoa thương phẩm, gia đình cô cũng đã đầu tư thêm nhà nuôi giống cho các năm sau. Lan Hồ điệp chủ yếu sử dụng giống từ nuôi cấy mô được nhập nội hoặc lấy từ các Viện nghiên cứu. Hiện tại, lan trong nhà nuôi giống của cô đã được 1 tháng kể từ khi ra ngôi trong nuôi cấy mô, sau chăm sóc khoảng 2 năm thì số lan này sẽ cho ra hoa và cung cấp 1 lượng lan thương phẩm cho thị trường.
Mỗi năm gia đình cô mơ có nguồn thu từ 200 – 300 triệu đồng/năm từ mô hình sản xuất hoa lan công nghệ cao.
Ông Nguyễn Doãn Lâm – Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Du cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Du chỉ có duy nhất một mô hình ở Phú Lâm sản xuất lan hồ điệp này.
Mô hình sản xuất hoa lan Hồ Điệp áp dụng công nghệ cao của gia đình cô Mơ, không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho bản thân mà gia đình cô mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ và 2 lao động thường xuyên. Với quy mô trồng lan như trên, mỗi năm, gia đình cô cung cấp 2 vạn lan cho thị trường hoa Tết, chủ yếu bán buôn và bán chậu hoa trang trí cho thị trường hoa Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương…, mang về nguồn thu từ 200 – 300 triệu đồng/năm cho gia đình cô.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp của gia đình cô Mơ được xem là hướng đi mới, giúp bà con tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, tại Tiên Du – Bắc Ninh, mô hình này đang được cơ quan chức năng khuyến khích phát triển.
Giới thiệu nhatkhoa 2100 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi