Anh Huỳnh Văn Hùng, sinh năm 1956, ngụ số nhà 27 ấp 2 xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè là một người trồng lan giỏi. Vườn lan rộng đến hơn 10.000 m2 của anh Hùng đẹp tuyệt vời, với nhiều loài lan khoe sắc, nhưng chủ yếu là Dendro. Người mới gặp anh Hùng lần đầu thì nghĩ đó là một doanh nhân thành đạt vì anh có thân hình cao lớn, quần áo gọn gàng nên để lại cho người ta ấn tượng là một doanh nhân thành đạt hơn là người nông dân trồng lan giỏi. Khi tôi đến nhà cũng là lúc anh đang hướng dẫn kỹ thuật tưới nước, bón phân, tỉa cành, bắt sâu trong vườn lan cho mấy người làm công.
Anh Hùng cho biết: “Anh đến với nghề trồng lan chưa lâu, chỉ mới cách đây vài năm do một phần đất của gia đình dính vào dự án và được đền bù một số tiền kha khá, anh dành 1,5 tỷ đồng đầu tư vào trồng lan”. Cũng theo anh Hùng thì “Nghề trồng lan, thật tao nhã – thanh tao nhưng cũng vô cùng vất vả, để cho ra đời được những bông hoa đẹp, người trồng lan phải dậy từ gà gáy để tưới nước cho lan và hoàn tất khi trời hửng sáng. Khi ánh nắng mặt trời ló dạng là chuyển sang cắt hoa, tỉa lá, cột cành, bón phân, phun thuốc. Các động tác chăm sóc hoa thật tỷ mỷ, nâng niu, nhè nhẹ với từng cành hoa”. Lan trong vườn là loại Dendro, có lễ phải hơn 70.000 gốc, chăm sóc mai phải tỷ mỉ, nhẹ nhàng. Mỗi tuần hai lần, phải xịt thuốc chống bệnh, chống rầy cho lan và mỗi tháng phải xịt thuốc phân một lần để lan phát triển tốt.
Anh tâm tư: “Vườn lan là giấc mơ cả đời tôi, nên tôi ăn ngủ cùng lan ở ngoài vườn này”. Để có vườn lan như hôm nay, anh Hùng đã trải qua nhiều ngành nghề như chăn nuôi, buôn bán … nhưng đều không hiệu quả, thế là khi có số tiền đền bù anh mạnh dạn đều tư trồng lan đến nay vườn lan đã có hơn 70.000 gốc lan…
Lan trong vườn anh đang kỳ thu hoạch và phát triển tốt, hàng tháng anh thu hoạch và bán ra thị trường trên 10.000 cành hoa thu về khoảng 50 triệu đồng (tiền bán lan không tính theo cành mà tính theo bông trên cành, cứ mỗi bông thương lái trả 550 đồng), sau khi trừ chi phí “đầu vào” anh Hùng còn thu lời hơn 30 triệu đồng (tính ra 1 năm anh cũng thu lời được trên 300 triệu đồng).
Khi tôi hỏi về bí quyết trồng lan, anh Hùng không dấu nghề mà vui vẻ cho biết: “Nguyên tắc hàng đầu là giữ cho vườn lan luôn luôn sạch sẽ, hệ thống tưới tiêu đầy đủ và giăng lưới bao che bảo vệ thật kỹ. Kế nữa là để ngăn ngừa nấm mốc phát triển, phải phun thuốc chống nấm định kỳ, để lan phát triển và ra hoa tốt thì phải xịt phân đúng định kỳ hàng tháng”. Anh Hùng cũng tâm tư “nghề trồng lan tại Nhà Bè nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung, hiện nay chưa có một mô hình chuẩn nào về làm nhà lưới, quy trình chăm sóc ra sao, phun tưới loại thuốc gì…”. Những tài liệu và kinh nghiệm mà anh Hùng có về lan đều rất chung chung, mà lan của anh lại trồng trong môi trường thiên nhiên, không phải lan trồng nhà kính, nên tác động của thời tiết đến hoa lan rất lớn. Khí hậu ở Nhà Bè là khí hậu nhiệt đới với hai mùa mưa nắng rõ rệt, lại thêm gió biển thổi hơi mặn vào, nên sự chăm sóc cho lan từng mùa cũng phải khác nhau, mùa mưa nhiều thì ẩm độ cao, có thể gây nấm mốc, mùa khô thì độ ẩm ít hơn, nên cần có chế độ chăm sóc thế nào cho hợp lý.
Tất cả những điều kể trên, khiến người trồng lan như anh phải tự học hỏi mày mò, học hỏi rút tỉa kinh nghiệm dần dần theo năm tháng. Cũng theo anh Hùng thì muốn thành công trong nghề trồng lan thì ngoài các khâu cần thiết của nghề, khâu quan trọng nhất là tuyển chọn giống và công tác xử lý môi trường cũng phải được quan tâm thật tốt, sản xuất giá thể để trồng lan phải đạt tiêu chuẩn, trồng lan mật độ quá dày cũng khiến nấm và vi khuẩn phát triển làm lan hư, không trổ hoa hoặc có trổ hoa thì hoa cũng không đẹp. Chính vì vậy, anh Hùng đã xử lý môi trường rất triệt để và cẩn thận trước khi chọn mua giống và luôn đặt việc phòng chống bệnh lên hàng đầu.
Sau những lần bỏ tiền túi đi tham quan trồng lan ở trong và ngoài nước, nhất là theo học kỹ thuật của những nghệ nhân lâu năm ở thành phố, đã cho anh Hùng được nhiều điều bổ ích trong việc trồng lan.
Khi được hỏi về tương lai phát triển của nghề lan, anh Hùng chỉ mong thành phố có một khu chợ chuyên mua bán, trao đổi hoa lan và lan giống, để đầu ra hoa lan ổn định, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân”.
Không chỉ là người trồng lan giỏi, anh Hùng còn là người cán bộ Hội Nông dân gương mẫu ở cấp cơ sở và thường xuyêntham gia tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho chương trình “vì người nghèo”, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cho bà con nông dân kỹ thuật trồng lan, là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, hàng năm cho nhiều hộ dân mượn vốn không lãi đến 5-6 chục triệu đồng, tặng nhiều tập vở, xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo và gia đình anh Hùng cũng được công nhận là gia đình văn hóa nhiều năm liền và được Ủy ban nhân dân thành phố tặng 3 bằng khen.
Gửi phản hồi