Kỹ Thuật Trồng Lan – Bón Phân Vô Cơ Cho Hoa Lan Đúng Cách

Nhằm mục đích bổ sung kiến thức cho bản thân cũng như phục vụ cho các bạn đọc runglan.com tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng lan. Chúng tôi sưu tầm những bài viết hay, có giá trị thực tiễn để đăng lên cho mọi người cùng nhau nghiên cứu. Nếu các bạn có khả năng viết hướng dẫn, giới thiệu về lan… hãy chia sẻ với mọi người nhé! Thư từ, hình ảnh, bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email :

NHATKHOA   @  GMAIL.COM  (Vui lòng xóa hết các khoảng trắng trước và sau chữ @ nhé!)

 

Bón Phân Vô Cơ Cho Hoa Lan Đúng Cách

Việc bón phân cho hoa lan trước đây có nhiều bàn cãi, có người cho rằng cây hoa lan phát triển một cách tốt đẹp trong thiên nhiên mà chẳng cần một chút phân bón nào cả cho nên họ chủ trương không cần bón phân cho lan trồng. Nhưng ta biết rằng rễ lan tìm kiếm nước và khoáng chất trong thiên nhiên ở nước mưa và vỏ mục, lá mục ở trên hốc cây, vỏ cây, trong những đám rêu, dương xỉ … sống bám trên cành cây và các chất mà nước mưa mang theo khi chảy tuột từ đầu tán lá đến dọc cành cây. Vì thế khi cắt lìa cành cây có lan sống bám trên ấy để trồng thì cây lan bây giờ chẳng nhận được gì cả ngoài sự phân rã của khối gỗ ấy. Do đó khi trồng lan trong vườn chỉ với than gỗ và gạch thì việc bón thêm phân là cần thiết.

Ngày nay vấn đề đã ngã ngũ vì vậy mà trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều loại phân bón cho hoa lan và không nhà trồng lan nào là không biết đến chúng.

Nhưng bón phân gì? Bón như thế nào? lại là vấn đề khó khăn vì nhu cầu phân bón đối với cây lan khác nhau không những tùy theo loài lan mà còn tùy theo từng thời kỳ sinh trưởng của mỗi cây lan nữa. Cho nên muốn sử dụng phân có hiệu quả, ta phải biết đến các điều kiện sinh lý ở cây lan và công dụng các chất trong phân bón.

bón phân vô cơ trồng lan

Ngày nay để có vườn lan đẹp, chất lượng đồng đều, người ta đã biết áp dụng bón phân vô cơ và hữu cơ

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách sử dụng phân hóa học (phân vô cơ) tùy theo loài và giai đoạn phát triển của cây hoa lan.

Phân vô cơ có tỷ lệ đạm cao 

Phân này thúc cây phát triển thân, ngôn và lá nhiều hơn là phát triển rễ. Phù hợp cho lan con, chúng sẽ phục hồi và lớn nhanh chóng sau khi ra khỏi chai nuôi cấy mô. Phân này cũng rất phù hợp đối với những cây đã suy, đang nhảy chồi mới và những cây sau thời kỳ nghỉ đang ra chồi mới.

Phân Bón Lá 30-10-10 Grow More 1kg

Ta có thể linh động pha chế tỷ lệ phân tùy theo tình trạng của cây. Thí dụ đang tưới phân 3:1:1, ta thấy cây phát triển tốt nhưng lá quá xanh đậm, chứa quá nhiều nước thì ta có thể thay thế bằng phân 3:2:2 hoặc 2:1:1. Nếu tiếp tục tưới mà đến thời kỳ ra hoa, cây vận chưa cho hoa thì ta tiếp tục giảm N xuống nữa bằng cách dùng phân 1:1:1 hoặc tăng P lên với phân 1:3:1.

Việc tăng hay giảm N ở phân không có gì phức tạp.

Phân có tỷ lệ lân cao 

Phân này kích thích ra rễ, ra hoa, làm cho lá bớt màu xanh thẫm và bớt lượng nước quá nhiều ở trong lá, giúp cây thêm khả năng đề kháng bệnh. Phân này cũng thích hợp cho những vườn lan ở những nơi râm mát, hơi thiếu sáng. Ở các vườn lan này, cây lan có lá xanh, mập chứa nhiều nước, chậm ra hoa, nếu có hoa cũng xấu. Nếu là Dendrobium thì ra chồi nhánh ở ngọn thay cho việc ra hoa, sau đó mới ra hoa.

Việc dùng phân có tỷ lệ P2O5 cao cũng phải thận trọng vì lợi và hại luôn luôn đi đôi với nhau: nếu dùng phân có tỷ lệ P2O5 cao trong trường hợp cây lan đã suy yếu do quá thiếu chất dinh dưỡng, sẽ làm cây lan chậm ra hoa, hoặc có hoa cũng xấu, hoặc chết luôn vì tưới phân như vậy lại làm cho cây lan càng thiếu N. Vậy ta phải sử dụng P2O5 cao chừng nào cho phù hợp? Điều này đòi hỏi người trồng lan phải thí nghiệm và tự mình điều chỉnh.

Phân có tỷ lệ Kali cao

Phân này có mục đích làm cho cây lan khỏe mạnh, chịu được khô hạn tốt. Trường hợp thường xảy ra là ở những cây lan rất khỏe mạnh nhưng bộ rễ rất ít nên về mùa khô, độ ẩm thấp, ta thấy chúng dễ héo đi, nhất là những loài thuộc giống Vanda, Rhynchostylis vì sự thoát nước ở lá nhiều hơn so với sự hấp thu nước ở rễ làm cho cây chậm hay ngừng phát triển. Để ngăn ngừa hiện tượng trên và giúp cho cây lan vượt qua thời gian nghỉ trong mùa khô, ta dùng phân có K2O cao với điều kiện là phải tưới phân có K2O cao ấy trước mùa khô, hoặc 2-3 tháng trước khi có hiện tượng trên xảy ra.

So với thực vật khác, lan cần K2O tương đối nhiều hơn. Vai trò của K2O sẽ giúp cho màu hoa đẹp, bền. Những cây thiếu K2O sẽ có hoa không tươi, chóng tàn. Vậy thời điểm sử dụng phân này là lúc cây bắt đầu có hoa.

Phân bón cho lan có tỷ lệ cân đối

Đây là phân có N – P – K bằng nhau về tỷ lệ. Sử dụng phân này ta rất yên tâm vì sẽ không thừa chất này, thiếu chất nọ, thuận tiện cho các vườn lan công nghiệp (đồng đều). Những vườn lan mà độ ẩm, nhiệt độ, độ thông thoáng cân đối thì dùng phân tỷ lệ 1:1:1 là lý tưởng nhất.

Xem video cách tưới nước và bón phân cho lan

https://www.youtube.com/watch?v=Xzw8KTyn4aY

Cách tưới phân cho cây hoa lan

Trong việc chọn lựa phân, ta cân nhắc chừng nào thì trong việc chọn cách tưới phân ta cũng thận trọng chừng đó. Cách tốt nhất để bón phân là hòa loãng, cho phân tan hoàn toàn vào nước. Phân bón lỏng dễ sử dụng và phân tán khắp chậu, mau thấm đến rễ. Nếu có dính vào lá thì cũng được hấp thu. Một số phân bón lá thì nên tưới mỗi ngày và rửa lại vào ngay ngày hôm sau để tránh sự phát triển của rong, tảo và sự cô đọng của muối. Bón phân hột, tan chậm cũng có thể dùng để bổ sung cho việc bón phân lỏng, nhưng thường không được đồng đều, nếu nó dễ tan thì có thể gây hại cho rễ non. Đặc biệt không bón phân hữu cơ vào gốc lan vì sự phân hủy của chúng sớm muộn gì cũng làm mất sự thông thoáng của chậu lan, gia tăng sự ẩm ướt làm thối rễ, hư cây..

Có 2 vấn đề đặt ra khi tưới phân:

  1. Tưới phân làm sao cho cây hấp thụ được nhiều nhất
  2. Tưới phân làm sao cho kinh tế nhất

Như các bạn đã biết, rễ là cơ quan chính yếu giúp cây lan hấp thu nước và muối khoáng để nuôi cây. Ngoài ra lá cũng có khả năng hấp thụ nước và muối khoáng, nhất là ở trường hợp lan con. Nhưng đối với lan lớn, việc hấp thụ của lá không đủ cho nhu cầu phát triển tăng trưởng của cây. Do đó, lúc tưới, ta phải chú ý đến bộ rễ. Vậy tưới làm sao cho ướt bộ rễ là điều đáng bàn cãi.

Có người tưới phân như tưới nước, tưới thật đẫm cho toàn bộ thân, rễ, lá, chậu và chất trồng đều thấm ướt đầy phân. Nhưng tưới như vậy lại sử dụng nhiều phân, không tiết kiệm được phân. Vì vậy muốn đạt được 2 điều nêu trên cùng một lúc, theo kết quả đã đạt được trong mấy năm qua thì trước khi tưới phân, chúng tôi tưới nước qua một lượt như hàng ngày, sau đó quay lại tưới phân cho vừa ướt cả chậu và bộ rễ mà không để phân chảy xuống đất như khi tưới nước. Việc tưới nước cho ẩm ướt trước sẽ dễ dàng thấm phân khi ta tưới vào, không bị chảy tuột đi. Làm như vậy, ta có thể tiết kiệm được 1/2 số lượng phân dùng bình thường.

tưới phân

Tưới phân cho cây hoa lan đúng cách sẽ đạt được kết quả mỹ mãn

Nhưng có người cho rằng khi tưới nước vào thì cây hút nước no rồi làm sao hút được phân? Điều này không đúng vì việc hút nước và hấp thụ phân xảy ra theo 2 phương cách khác nhau riêng biệt, nên không có vấn đề no nước khiến rễ từ chối phân.

Tưới phân cho hoa lan vào lúc nào trong ngày thì phù hợp nhất?

Nếu ta chia một ngày ra làm 3 giai đoạn thì:

  • Buổi sáng sớm: nhiệt độ thấp, ẩm độ cao. Dần dần khi mặt trời lên cao khoảng 9-10 giờ thì nhiệt độ tăng dần, ẩm độ hạ thấp xuống.
  • Buổi trưa từ 9-10 giờ đến 15-16 giờ, nhiệt độ cao và ấm độ thấp liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ.
  • Buổi chiều từ 15-16 giờ, nhiệt độ hạ dần, nhưng ẩm độ tăng lên từ từ cho đến đêm. Suốt đêm độ ẩm cao nhất, nhiệt độ thấp hơn cả.

Phân được sử dụng hiệu quả qua đường lá khi:

  • Phân ở dạng dung dịch và dung dịch ấy bám vào rễ, lá và chất trồng
  • Các chất tan dù ở dạng phân tử hay ion sẽ xuyên qua màng tế bào để vào bên trong nguyên sinh chất, thủy thể của tế bào. Cho nên phân mà ta tưới vào lá sẽ xâm nhập liên tục vào bên trong tế bào chừng nào phân còn ở dạng dung dịch. Ngược lại, nếu tưới phân không lâu đã thấy chúng khô đọng lại các vết trắng ở mặt ngoài của lá thì chỉ một phần rất ít phân được hấp thụ mà thôi.
  • Các vết muối còn đọng ở mặt ngoài của lá sẽ không thấm được vào bên trong tế bào cho đến khi chúng được hòa tan trở lại thành dung dịch. Điều này xảy ra khi không khí có độ ẩm cao.

Thí nghiệm của Rossi và Beauchamp đã cho thấy sự hấp thụ Zn và Mn của muối sulfat ở lá cây đậu vàng trong tủ kính có độ ẩm 70% tốt hơn là ở trong tủ kính có độ ẩm 25%, nhất là trong 24 giờ đầu. Điều này chứng tỏ tưới phân theo đường lá vào lúc độ ẩm cao, cây sẽ hút phân được nhiềuhơn.

Như vậy có thể tưới phân vào lúc sáng sớm hay buổi xế chiều, nhưng không bao giờ tưới phân vào buổi trưa, nhất là phân bón lá, chỉ nên tưới vào lúc trời âm u, không nắng là hiệu quả hơn cả.

Về mặt lý thuyết thì tưới phân vào buổi chiều có phần hợp lý hơn, nhưng về mặt tổ chức và kinh tế (nếu bạn trồng lan kinh doanh) thì tưới phân vào buổi sáng lại lợi hơn vì còn rộng thời gian để điều hành, còn trông thấy rõ hiện trạng tưới phân cho cây để điều động và tránh được nguy hiểm do rắn rít có thể ở trong vườn lúc chiều tối.

Khoảng cách của những lần tưới phân cho lan là bao lâu?

Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, chất trồng, tình trạng cây, loại phân, nồng độ phân …

Việc tưới phân nên từ nồng độ thấp lên nồng độ cao, như vậy phải gia tăng số lần tưới nên tương đối tốn công lao động, nhưng tránh được nguy hại do nồng độ cao của phân bón gây ra. Những người mới trồng lan thường hay nôn nóng, muốn thấy kết quả ngay nên hay lạm phân làm chết lan!

Bình thường mỗi tuần tưới phân 1 lần cũng được, nhưng nếu trồng lan ở nơi râm mát thì khoảng cách phải dài hơn, 10-15 ngày tưới 1 lần. Ngược lại, vườn lan có nhiều ánh sáng có thể tưới 1-2 lần mỗi tuần cũng chẳng sao.

Sau khi tưới phân một ngày thì nên gia tăng lượng nước tưới của ngày sau đó để rửa các muối còn đọng lại, ngăn ngừa việc tồn đọng muối quá nhiều làm ảnh hưởng bất lợi cho lan, đồng thời cũng để đáp ứng nhu cầu nước gia tăng mà cây lan đòi hỏi cho sự phát triển của nó do sự thúc đẩy của phân bón mà ta đã tưới vào trước đó.

tưới phân cho cây hoa lan

Lan hồ điệp đẹp tốt nhờ tưới phân hợp lý

Tóm lại với những nguồn phân vô cơ và hữu cơ trên, chúng ta có thể pha chế thành phân hỗn hợp cho các loại lan, theo các thời kỳ phát triển của nó. Nhưng lưu ý rằng đối với những loại phân ít tan, có tạp chất như super lân, … cần phải ngâm trong nước rồi sẽ lọc để tưới, nếu không các tạp chất không tan ấy sẽ thành muối acid, bám vào rễ, lá, chất trồng làm hại cây lan.

Ngoài phân vô cơ cũng nên bón thêm phân hữu cơ, tuy ít đạm hơn nhưng chúng sẽ cung cấp thêm một số chất khoáng cần thiết cho lan, nhưng phải thận trọng vì nồng độ cao sẽ làm cho cháy lá, đọt bị thối … Do đó với những loại phân mới pha chế, phải sử dụng từ nồng độ thấp rồi tăng dần lên, khi thấy phù hợp cho sự tăng trưởng tốt ở cây lan rồi thì hãy duy trì những loại phân đó mà sử dụng, đừng thay đổi nữa. Nếu muốn thử nghiệm thì hãy thăm dò ở một ít cây, đừng tưới hết cho cả vườn lan những loại phân mà mình chưa quen dùng.

Sau cùng, điều cần biết là một cây lan gồm khoảng 90% nước và chỉ 2% là chất khoáng. Cho nên phần lớn những cây lan chỉ cần những lượng nhỏ chất khoáng để đảm bảo sự tăng trưởng tốt. Lượng chất khoáng này có ở chất trồng, nước tưới và được bổ sung ở phân bón. Nhưng bón phân nhiều quá sẽ mang đến hậu quả khủng khiếp, tệ hại hơn nhiều so với ngay cả khi không bón phân! Nếu lỡ bón phân nhiều quá, thì hãy loại sạch muối ra khỏi chậu lan càng nhanh càng tốt bằng cách tưới xả liên tục nhiều giờ, hoặc ngâm, xả với nước nhiều lần tùy theo chất trồng.

Nguyễn Thiện Tịch – Tổng biên tập Tạp chí Hoa Cảnh

Giới thiệu nhatkhoa 2102 bài viết
Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết! Nếu bạn cần mua lan vui lòng liên hệ Anh Châu - 090 3166673 - 0923 266 299 ĐỊA CHỈ: 196 Trịnh Đình Trọng Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Gửi phản hồi