TP Hồ Chí Minh hiện có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu từ nghề trồng hoa lan và nhiều hộ dân khác, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, đã chuyển từ nghề khác sang trồng lan. Xu hướng này đang phát triển mạnh ở nhiều vùng trên địa bàn thành phố.
Tất cả nhờ hoa lan
Để có vườn lan rộng hơn 17 nghìn m2 như hôm nay, chị Trần Ngọc Tuyết (huyện Củ Chi) đã trải qua không ít thất bại vì thiếu kinh nghiệm. Năm 2009, gom hết vốn liếng của gia đình, chị Tuyết đầu tư vườn lan hơn 70 nghìn gốc, chủ yếu là giống Mokara. Tận dụng luôn mảnh đất của gia đình, chị mang ra ngân hàng thế chấp vay 1,5 tỷ đồng để mua phân bón, thuốc, đầu tư giàn tưới, mái che cho vườn lan. Nữ nông dân này còn tự sang Thái-lan, Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm. Sự chí thú của chị đã được đền đáp xứng đáng sau một năm đầu tư trồng lan, mỗi tháng chị cắt 20 nghìn hoa lan để bán, thu về lãi ròng hơn 100 triệu đồng.
Không suôn sẻ như chị Tuyết, anh Huỳnh Văn Hùng (huyện Nhà Bè) mất nhiều năm mới “ổn định” được vườn lan 10 nghìn m2của mình. Lan trong vườn của anh là loại Dendro, mỗi tuần phải xịt thuốc chống rầy hai lần và mỗi tháng bón phân một lần. Do vùng đất Nhà Bè có vài tháng nhiễm mặn, vì thế anh Hùng còn phải kỳ công đưa nguồn nước “chuẩn ngọt” về tưới lan.Hiện nay, anh Hùng bán khoảng 10 nghìn cành lan/tháng, cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Anh còn giúp nhiều hộ nông dân khác về giống, vốn không tính lãi để trồng lan, xóa nghèo, vươn lên khá giả.
Ít đất vì sống giữa vùng đang đô thị hóa, nông dân Kiều Lương Hồng (huyện Bình Chánh) chỉ trồng bốn nghìn gốc địa lan. Dù đã 75 tuổi, song ông Hồng luôn tay, luôn việc bên vườn địa lan của mình. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến và triệt để tuân theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, vườn lan của ông Hồng lúc nào cũng khoe sắc. Mỗi tháng, ông Hồng thu nhập không dưới 10 triệu đồng từ bán hoa địa lan. “Tôi đã thoát nghèo và cuộc sống ngày càng khấm khá, tất cả đều nhờ hoa lan”, ông Hồng vui vẻ cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Phụng, thời gian qua, nhiều nông hộ đã chuyển từ đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng lan cắt cành, đã cho thu nhập cao, thu lãi 180 đến 300 triệu đồng/năm.
Người thành phố cũng thích
Trong số 71 “Nông dân sản xuất giỏi” năm 2014 của thành phố vừa được tuyên dương, có đến 41 nông dân trồng hoa lan, cây kiểng. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng của người thành thị đã được nông dân “thẩm thấu, nắm bắt và đáp ứng”. Nghề trồng lan cũng đã lan tỏa từ nông thôn vào thành thị khi có nhiều thị dân chuyển sang trồng lan cắt cành, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và còn giúp đỡ nhiều người khác.
Vườn lan của ông Bùi Văn Ngọc (quận Thủ Đức) chỉ rộng 110 m2 , nhưng nhờ khéo léo sắp xếp theo tầng, ông đã đưa được gần một nghìn chậu lan Hồ Điệp, Ngọc Điểm, Vũ Nữ… vào trồng. Là thợ sửa chữa điện tử, nhưng với sự đam mê hoa lan khiến ông Ngọc chuyển hẳn sang trồng lan để thỏa mãn niềm đam mê, rồi “lập nghiệp” luôn với nghề mới này. Dù ít đất, nhưng mỗi tháng ông Ngọc vẫn có doanh thu 8 đến 10 triệu đồng nhờ giống lan quý hiếm. Thời gian rảnh, ông Ngọc còn giảng dạy lại kỹ thuật trồng lan cho các nông dân khác.
Tương tự, cô giáo Lê Thị Mỹ Phước (huyện Hóc Môn) từng là giảng viên một trường đại học lớn, từ món quà được tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) của sinh viên là hai chậu lan, cô cần mẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng lan ở khu vườn nhà.Từ đó, cô giáo Phước đã bắt nhịp và sống được nhờ hoa lan, cô còn ứng tiền không lãi cho nông dân và thu mua thêm sản phẩm lan của 20 nông hộ để giao sỉ tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10). Nhiều năm là “Nông dân sản xuất giỏi”, lại có thành tích giúp đỡ nông dân nghèo hiệu quả, cô Phước đã được thành phố vinh danh là “Nông dân tiêu biểu”.
Một trường hợp khác cũng khá “lạ” là chị Dương Thị Minh Hồng (quận Thủ Đức). Chị Minh Hồng tâm sự : “Đang là Trưởng bộ phận xuất nhập khẩu của Nhà máy Dệt Phong Phú, tôi bỏ ngang công việc, về nhà trồng lan và hứng chịu nhiều trách móc của gia đình, bạn bè. Nhưng do đam mê lan, tôi đã lên mạng tìm tòi, tự học kỹ thuật, rồi đầu tư một tỷ đồng trồng hơn ba nghìn gốc lan Mokara và Dendro. Chỉ năm tháng sau, tôi đã bán lan “bói” và hiện nay, mỗi năm, tôi có thu nhập 200 triệu đồng từ lan…”.
Gửi phản hồi